Toàn quốc đang ở trong thời điểm diễn ra Tháng Hành động quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS 2021 (10/11-10/12 hàng năm), song song đó vào ngày 1/12 tới cũng là Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS. Nhân dịp quan trọng này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế vừa điểm qua 10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS trong năm mà cả nước đã phấn đấu đạt được.

Đây cũng là 10 sự kiện mà CBO Glink và CBO G-net Biên Hòa có nhắc đến trong số livestream vào tối ngày 25/11/2021, với chủ đề “Khởi động chiến dịch Ngàn bước đi vì cộng đồng”. Hãy cùng Glink điểm qua một lần nữa 10 sự kiện này, để hiểu được những nỗ lực của các Bộ, Ban, Ngành, các cơ sở y tế, các tổ chức cộng đồng và những người tham gia trên hành trình sớm chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam.

Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị định 63 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi và Nghị định xác định tình trạng nghiện ma túy (sắp ban hành); Thông tư 09 của Bộ Y tế về xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai; 8 hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, ban hành Chỉ thị 07 để hướng tới mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Thứ hai, mở rộng và đa dạng về dịch vụ xét nghiệm HIV. Cụ thể, toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở xét nghiệm HIV, 201 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Ngoài các cơ sở y tế, tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; thí điểm cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua mạng (xóm Cầu Vồng, Cô Nàng Gợi Cảm,…). Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có 10.925 người nhiễm HIV (85% là nam giới, 79% lây do quan hệ tình dục không an toàn). Ước tính đến hết năm, nước ta có khoảng trên 12.000 người nhiễm HIV.

Thứ ba, đảm bảo cung cấp liên tục Methadone mỗi ngày cho hơn 52.000 bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, kể cả các bệnh nhân phải cách ly hoặc trong các khu phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Thứ tư, thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho gần 1.000 người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng. Qua 6 tháng triển khai, cho thấy kết quả tốt nên sẽ sớm mở rộng cấp thuốc Methadone nhiều ngày ra các tỉnh khác.

Thứ năm, tiếp tục mở rộng điều trị HIV/AIDS dưới nhiều giải pháp để giúp gần 162.000 bệnh nhân đang sống chung với HIV được dùng thuốc ARV liên tục trong bối cảnh COVID-19.

Thứ sáu, cập nhật và tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, mở rộng thuốc ARV mới (TLD), chất lượng điều trị tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới, với 97,2% bệnh nhân có tải lượng vi-rút HIV ở dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/ml máu) và 95,1% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu).

Thứ bảy, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Hiện có 27 tỉnh, thành đang triển khai điều trị PrEP cho 32.128 khách hàng với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như PrEP lưu động, PrEP trong bối cảnh COVID-19, PrEP trong ngày,… đến từ mạng lưới y tế tư nhân và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Thứ tám, mở rộng điều trị viêm gan C trên bệnh nhân HIV/AIDS. Người nhiễm HIV nếu bị đồng nhiễm viêm gan C thì tuổi thọ chỉ bằng một nửa so với người nhiễm HIV mà không bị nhiễm viêm gan. Điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV bắt đầu triển khai từ tháng 3/2021, đến hết tháng 10/2021 thì có 3.367 người đã được điều trị viêm gan C mạn tính, tỷ lệ khỏi viêm gan đạt đến 92,2%, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV.

Thứ chín, tiếp tục đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục tăng, ước đạt trên 50% tổng chi cho phòng, chống HIV/AIDS. 33/63 tỉnh, thành đã phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. 91% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV đã có thẻ bảo hiểm y tế.

Thứ mười, toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã nỗ lực triển khai mọi hoạt động để đạt các chỉ tiêu được giao trong năm nay, dù công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Đó là, phát hiện >12.000 người nhiễm HIV, điều trị Methadone cho 52.000 người, điều trị ARV cho >160.000 bệnh nhân HIV/AIDS, mở rộng PrEP cho >30.000 khách hàng,…

Những thông tin, con số được báo cáo bên trên, nhìn chung đều mang đến giá trị tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS của nước ta thời gian vừa qua. Là thành quả từ những cống hiến, phấn đấu của các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước, đặt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID thì lại càng đáng trân trọng và ý nghĩa hơn rất nhiều. Để nghe lại 10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trong buổi live “Khởi động chiến dịch Ngàn bước đi vì cộng đồng”, các bạn có thể tìm lại trên Fanpage Glink Việt Nam Commerce hoặc Youtube Glink Việt Nam.

Với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của Tháng Hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS, và “Chấm dứt dịch AIDS: Tiếp cận bình đẳng, Tiếng nói của mọi người” của Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS, Glink mong qua chiến dịch “Ngàn bước đi vì cộng đồng” sẽ góp một phần để cùng chung tay với cộng đồng, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, cũng như đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

 

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED