Mặc dù HIV là một bệnh không dễ lây nếu chúng ta sử dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh đúng cách, tuy nhiên, mỗi người hãy chủ động xét nghiệm HIV sau khi có nguy cơ phơi nhiễm. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), mỗi người trong độ tuổi có thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm đều nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. Và nếu như thường xuyên có hành vi nguy cơ, hãy xét nghiệm HIV định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần.
Ai nên xét nghiệm HIV?
Mỗi người nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. Những người có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nên đi xét nghiệm thường xuyên hơn như:
- Nam giới có quan hệ tình dục với nam giới.
- Người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm hộ với bạn tình nhiễm HIV hoặc không rõ tình trạng nhiễm HIV.
- Người tiêm chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm.
- Người từng được chẩn đoán nhiễm, điều trị các nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) khác.
- Người được chẩn đoán nhiễm, điều trị bệnh viêm gan hoặc lao
Nếu bạn đang là một hoặc nhiều trong các trường hợp trên, hãy xét nghiệm HIV từ 3 đến 6 tháng một lần.

Sinh phẩm xét nghiệm HIV thế hệ thứ IV tại phòng khám Glink có thể giúp bạn phát hiện HIV sớm hơn
Xét nghiệm giúp bạn biết được tình trạng HIV của mình, thông qua đó, các bác sĩ, chuyên gia tư vấn sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu ích để bảo vệ cho bạn và người thân của bạn được khỏe mạnh, an toàn.
Nếu kết quả xét nghiệm HIV là dương tính, bạn có thể dùng thuốc điều trị HIV (thuốc ARV). Tuân thủ điều trị HIV có thể làm cho lượng HIV trong máu của bạn (tải lượng vi rút) rất thấp, là điều tốt nhất bạn có thể làm để giữ sức khỏe. Nếu tải lượng vi-rút của bạn không thể phát hiện, bạn gần như không có nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Nếu kết quả xét nghiệm HIV là âm tính, ngày nay có nhiều công cụ phòng chống HIV hơn bao giờ hết để giúp bạn tiếp tục phòng ngừa nhiễm HIV trong tương lai.
Nên xét nghiệm HIV ở đâu?
Bạn nên đến những phòng khám, cơ sở y tế chuyên về xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị HIV để làm các xét nghiệm. Vì tại những nơi này, đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng để hỗ bạn trong việc phát hiện, dự phòng hoặc điều trị HIV.
Bên cạnh đó, các phòng khám, cơ sở y tế này có thể có thêm các chức năng hỗ trợ khác liên quan tới HIV như tư vấn sức khỏe tâm lý khi bạn bị ảnh hưởng bởi HIV, tư vấn về vấn đề tài chính, bảo mật thông tin giúp bạn lựa chọn dịch vụ dự phòng hoặc điều trị HIV phù hợp, hoặc chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan khác.

Các phòng khám, cơ sở y tế có thể có thêm các chức năng hỗ trợ khác liên quan tới HIV như tư vấn sức khỏe tâm lý khi bạn bị ảnh hưởng bởi HIV
Cần chuẩn bị gì khi xét nghiệm HIV?
Bạn cần nắm rõ hành vi dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm HIV của mình, chia sẻ hành vi nguy cơ càng chính xác bao nhiêu thì các chuyên gia y tế sẽ càng giúp bạn hiệu quả hơn bấy nhiêu. Không nên quá lo lắng, hoang mang làm ảnh hưởng đến tâm lý của bạn.
Hãy chủ động hỏi thêm các bác sĩ, chuyên gia y tế về việc xét nghiệm, tầm soát các nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) khác, vì các nhiễm trùng này có khả năng có cùng đường lây truyền với HIV.
Mặt khác, nếu bạn quan tâm đến bạn tình, người thân của mình hãy chia sẻ cởi mở với họ về việc cùng nhau xét nhiệm HIV cũng như các nhiễm trùng qua đường tình dục khác.