Viêm gan do vi-rút đứng vị trí thứ 2 trong danh sách các nguyên nhân tử vong sau ung thư. Tính đến nay, đã có khoảng 2 tỉ người trên thế giới nhiễm virus viêm gan siêu vi, ước tính mỗi năm có khoảng 30 triệu ca nhiễm mới. Mỗi năm, viêm gan B cướp đi mạng sống của hơn 1 triệu người.
Tại Việt Nam, 7,8 triệu người đang sống chung với viêm gan B và gần 1 triệu người đang sống chung với viêm gan C, cứ 9 người thì có 1 người bị nhiễm viêm gan B (HBV) hoặc nhiễm viêm gan C (HCV).
Virus viêm gan có 5 loại gây bệnh chính: HAV, HBV, HCV, HDV, HEV. Trong đó, virus viêm gan B và C có tỷ lệ người nhiễm bệnh cao hơn các virus còn lại.
HBV lây lan khi máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể từ người bị nhiễm virus xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm bệnh. Điều này có thể xảy ra thông qua quan hệ tình dục; dùng chung kim tiêm, ống tiêm…hoặc từ mẹ sang con khi sinh.
HBV có thể trở thành một bệnh nhiễm trùng mạn tính, lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Nguy cơ nhiễm trùng mạn tính liên quan đến tuổi bị nhiễm trùng: khoảng 90% trẻ sơ sinh bị HBV tiếp tục phát triển thành nhiễm trùng mạn tính, cách tốt nhất để phòng ngừa HBV là chủng ngừa.
Trong khi đó, HCV là một bệnh nhiễm trùng gan do virus HCV gây ra. HCV lây lan qua tiếp xúc với máu từ người bị nhiễm bệnh như dùng chung kim tiêm hoặc các thiết bị khác được sử dụng để pha chế và tiêm thuốc, xăm trổ.
HCV mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng như xơ gan và ung thư gan. Những người bị HCV mạn tính thường có thể không có triệu chứng. Không có vắc xin phòng bệnh HCV. Cách tốt nhất để phòng ngừa HCV là tránh các hành vi có thể truyền bệnh. Hiện nay phương pháp điều trị có thể chữa khỏi hầu hết những người bị HCV trong 8 đến 12 tuần.