Sức khỏe tâm trí (tâm lý, tinh thần, ý thức) là một trong những vấn đề ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn ở những người có nguy cơ lây nhiễm và người đang sống chung với HIV. Khi sức khỏe tâm trí kém, có nhiều phản ứng tiêu cực sẽ kéo theo chất lượng cuộc sống bị giảm, ảnh hưởng đến quá trình tuân thủ điều trị và dự phòng HIV. Nhận thấy “mối nguy” này, dự án USAID/ PATH Healthy Markets tiến hành tìm hiểu và triển khai từng bước giúp việc chăm sóc sức khỏe tâm trí được tiếp cận dễ dàng hơn đến các nhóm có nguy cơ trên.
5 bước hình thành dịch vụ sức khỏe tâm trí
Từ năm 2015, dự án Healthy Markets đã làm việc cùng nhiều cộng đồng và các tổ chức vì cộng đồng để hỗ trợ thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Việt Nam: dịch vụ xét nghiệm HIV và lây nhiễm qua đường tình dục dưới sự hướng dẫn của các bệnh nhân, viêm gan siêu vi, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và sau phơi nhiễm (PEP), thuốc kháng vi rút HIV (ARV), chăm sóc sức khỏe giới tính. Gần đây nhất là sự phát triển dịch vụ tích hợp toàn diện với mô hình One-stop-shop (OSS) tại các phòng khám vào năm 2019, thể hiện sự thân thiện và tiện ích đối với người dân khi các dịch vụ được bảo đảm đầy đủ với nhu cầu của khách hàng đến thăm khám, trong đó có cả sức khỏe tâm trí đã được thúc đẩy bằng một quy trình gồm 5 bước:
Bước 1: Đánh giá nhu cầu về sức khỏe tâm trí, bao gồm hỗ trợ tư vấn trầm cảm, lo âu và sử dụng các chất gây nghiện đã được thực hiện tại 5 phòng khám tư nhân chuyên về điều trị, dự phòng HIV/AIDS mà Healthy Markets đồng hành với mô hình toàn diện OSS.
Bước 2: Tiến hành các khóa đào tạo cơ bản cho nhân viên của phòng khám theo mô hình OSS và các tổ chức vì cộng đồng để nâng cao kỹ năng, chuyên môn về sàng lọc tình trạng của sức khỏe tâm trí, phân loại được các triệu chứng, dấu hiệu nhằm chuyển gửi đến nơi chăm sóc chuyên khoa khi cần thiết.
Bước 3: Phát triển bộ công cụ sàng lọc và quy trình vận hành tiêu chuẩn trong quá trình tiếp cận khách hàng, ví dụ như sử dụng thang điểm đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và căng thẳng.
Bước 4: Cập nhật các dịch vụ của hệ thống OSS và những bước hướng dẫn khách hàng, sao cho bao gồm cả việc cung cấp chăm sóc sức khỏe tâm trí để họ nhận biết và tìm hiểu.
Bước 5: Tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng liên tục cho nhân viên y tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, tư vấn, sàng lọc và điều trị cho khách hàng về sức khỏe tâm trí.

Không gian của bạn – nơi chăm sóc sức khỏe tâm trí
Hiểu thêm về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí
Đầu tiên, đa phần khách hàng sẽ tìm đến các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) để tiếp cận dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó, nhân viên của CBOs tư vấn về xác định sức khỏe tâm trí, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ cho khách trước khi giới thiệu đến mô hình OSS để được chăm sóc thêm. Kế tiếp, người phụ trách về quy trình sàng lọc khách hàng sử dụng phương pháp chăm sóc theo từng bước để hướng họ đến các dịch vụ thích hợp, dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe tâm trí đã được phân loại (gồm chứng trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất gây nghiện, nguy cơ tự tử).
Những người có các triệu chứng sức khỏe tâm trí ở mức độ nhẹ, sẽ được tư vấn hỗ trợ và hướng dẫn về mặt tâm lý khi cần thiết. Nếu ở mức độ trung bình, họ được khuyến khích thư giãn, tiến hành các biện pháp can thiệp tâm lý, hành vi và nhận thức. Còn với mức độ nghiêm trọng, họ được khuyến cáo đến các chuyên gia chăm sóc tâm trí, đồng thời vẫn tiếp nhận các dịch vụ và tư vấn song song tại phòng khám OSS.
Chỉ trong 8 tháng từ ngày triển khai chăm sóc sức khỏe tâm trí, hơn 1.700 khách hàng đã được tiếp cận dịch vụ thông qua 5 CBOs áp dụng mô hình OSS, dưới sự hỗ trợ của Healthy Markets. Nhiều người ban đầu chỉ tìm kiếm các dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV, nhưng được cung cấp thêm một số dịch vụ chăm sóc, theo dõi phù hợp sau khi thực hiện chu trình sàng lọc bệnh tật về sức khỏe tâm trí. Ví như trường hợp của ông D. (33 tuổi), một khách hàng của CBO Glink cho biết:
“Glink cung cấp nhiều dịch vụ hơn là tôi nghĩ. Lúc đầu tôi đến với mục đích xét nghiệm và phòng ngừa HIV, nhưng trong quá trình tư vấn, tôi nhận ra mình đang quá lo lắng về HIV lẫn sức khỏe của bản thân. Nhân viên y tế ngay sau đó đã hỗ trợ tôi trong việc định hình lại tâm lý, mở thông suy nghĩ và cảm xúc để giúp tôi thoải mái, tự tin hơn về việc phòng chống lây nhiễm HIV”.

Có nhiều giai đoạn để tư vấn, hỗ trợ sức khỏe tâm trí (hình ảnh mang tính minh họa)
Đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí trong tương lai
Healthy Markets đã, đang và sẽ hỗ trợ các phòng khám với mô hình chăm sóc toàn diện OSS bằng việc đồng sáng tạo, triển khai, thực hiện mọi hoạt động hữu ích, thiết thực nhằm quảng bá dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí đến gần hơn với cộng đồng, nhất là những người đang điều trị và dự phòng HIV. Chẳng hạn như chiến dịch “Không gian của bạn” từ CBO Glink để giới thiệu dịch vụ sức khỏe tâm trí tại phòng khám Glink Quận 10, TP.HCM. Trong thời gian tới, Glink sẽ đa dạng hóa các dịch vụ và mở rộng việc lựa chọn chăm sóc hơn, bằng cách thực hiện các buổi tư vấn theo nhóm vào cuối tuần.
Ông Lê Minh Thành – Giám đốc điều hành hệ thống phòng khám Glink chia sẻ: “Tư vấn sức khỏe tâm trí theo nhóm là một dịch vụ mà chúng tôi sẽ sớm triển khai. Dựa trên phản hồi của các khách hàng hiện tại, Glink nhận thấy nhiều nhóm trong cộng đồng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xảy ra quanh cuộc sống họ và họ thật sự cần một người có thể lắng nghe”.
Qua các khảo sát có thể thấy, vấn đề sức khỏe về tâm trí ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình tuân thủ điều trị và dự phòng HIV. Từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, 1.013 khách hàng từ các phòng khám áp dụng mô hình OSS được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, chiếm hơn một nửa (58,5%) trên tổng số 1.733 người nhận dịch vụ này. Trong đó, tỷ lệ khách hàng PrEP không có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp tục dùng thuốc chiếm 93,1%, cao hơn so với 45,5% ở những người có bệnh rối loạn tâm thần.
Do đó, giải quyết những vấn đề về sức khỏe tâm trí và các rào cản trong việc tìm kiếm, tiếp nhận chăm sóc chính là một phần thiết yếu để giảm bớt tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Dự án Healthy Markets sẽ tiếp tục tận dụng các mô hình chăm sóc sức khỏe có tích hợp đáp ứng nhu cầu về thể chất lẫn tâm lý của các khách hàng nhóm đích, đồng thời tạo điều kiện để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và hiểu được lợi ích của việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm trí với các dịch vụ HIV khác.
Bài viết gốc: Let’s Talk About Mental Health: Integrating care for depression, anxiety, and substance use as part of HIV services in Vietnam, PATH.