Sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng, ngành y tế nói chung đã có nhiều thay đổi trong cung cấp dịch vụ nhằm việc duy trì điều trị HIV liên tục, cũng như tăng cường phát hiện ra các ca nhiễm HIV mới.

Theo các báo cáo mới nhất từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) cho thấy, người nhiễm HIV không phải là đối tượng nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn các nhóm dân số khác, tuy nhiên bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thuốc kháng virus thành công (ART) với HIV bị ức chế sẽ có khả năng chống lại COVID-19 tốt hơn so với những người mắc HIV nhưng không được kiểm soát, điều trị và hệ thống miễn dịch suy yếu.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, thực tế gần đây những ca phát hiện HIV muộn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch. Điều này làm tăng mối lo ngại về các bệnh nhiễm trùng cơ hội, như viêm phổi và lao (TB). Do tỷ lệ nhiễm lao hiện tại và quá khứ ở nước ta khá cao, nhiều người bị tổn thương phổi sau bệnh lao và bệnh có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của COVID-19.

COVID-19 cũng dẫn đến nhiều người bỏ thuốc do những yếu tố khác nhau tác động, dẫn đến nhiều nguy cơ tăng tải lượng vi-rút cũng như tỷ lệ kháng thuốc. Đại dịch cũng đặt ra những thách thức liên quan đến các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc cho những người mới được chẩn đoán nhiễm HIV. Đã có một sự thay đổi trong việc cung cấp dịch vụ ảo và điện thoại, với những gợi ý về sự cần thiết phải mở rộng các chương trình tự xét nghiệm HIV như sinh phẩm oraquick.

Việt Nam là một trong những quốc gia phản ứng cực nhanh với COVID-19, kéo theo các dịch vụ liên quan bị chi phối bởi COVID-19 như HIV. Các kinh nghiệm phong phú trong quá khứ khi ứng phó với HIV đã giúp các lãnh đạo của Bộ Y Tế cũng như Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhanh chóng có các biện pháp duy trì chăm sóc điều trị.

Thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm thế nào để bảo đảm rằng những người hiện đang điều trị ARV tiếp tục có nguồn cung cấp thuốc liên tục và vẫn tuân thủ điều trị. Dịch COVID-19 đã khiến xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc ARV. Do đó, để tránh tình trạng hết thuốc ARV trong thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài, dự án Chuỗi cung ứng, Đấu thầu và Quản lý cung ứng y tế toàn cầu của USAID (Dự án GHSC-PSM) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để nhập lô thuốc ARV từ Ấn Độ.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực đối với việc chuyển đổi đã được lên kế hoạch từ trước sang sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, loại thuốc mới này chưa thể nhanh chóng có mặt tại Việt Nam. Do đó, tình trạng thiếu nguồn cung thuốc điều trị HIV nói chung và việc ngừng cấp phát thuốc dùng cho nhiều tháng đã làm tăng gánh nặng lên các cơ sở y tế và tăng thêm sự lo lắng của bệnh nhân, cũng như tạo ra những thách thức trong việc duy trì điều trị liên tục trong giai đoạn khó khăn này.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED