Như các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, tác động xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng rất sâu rộng, không chỉ dẫn đến những vấn đề kinh tế và xã hội do người dân mất việc làm, mà còn khiến tính chất công việc ở cả nông thôn và thành thị ngày càng biến động. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, xu hướng mới về việc làm càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học.
Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ là sự liên kết các lĩnh vực lý – sinh; cơ – điện tử – sinh… hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc.
Không những vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra những ngành nghề mới lần đầu tiên xuất hiện như các nhà phân tích pháp y dữ liệu điện tử và quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, giảng viên online, cùng với một nghề khá đặc biệt là chuyên viên dinh dưỡng calo và đánh giá khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi dựa trên một hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thực, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Thứ hai, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới từng nền kinh tế là không giống nhau, tùy thuộc vào cấu trúc sản xuất đặc thù của từng nền kinh tế và hiệu quả phản ứng của các chính sách vĩ mô được Chính phủ các quốc gia triển khai.
Không khó để nhận ra các hoạt động kinh tế – xã hội thông thường đã buộc phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.
Người lao động đã làm việc từ xa nhiều hơn thông qua các ứng dụng hỗ trợ làm việc trực tuyến; người tiêu dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ thương mại điện tử là sự kết hợp giữa các website thương mại và dịch vụ giao hàng; các trường học chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến; các bệnh viện chuyển sang khám bệnh và tư vấn y tế trực tuyến; các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cả Chính phủ dựa trên các nền tảng số để duy trì hoạt động của mình.
Phần nào từ đại dịch Covid-19 mà ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, vai trò và vị thế của kinh tế số trong nền kinh tế quốc dân ngày càng được củng cố hơn.
#LIFE #LIFECentre #AroundU