Lao phổi là một trong các loại nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở người nhiễm HIV, đặc biệt là những người có số lượng tế bào CD4 thấp dưới 200 tế bào/ml máu. Ở người có HIV, nhiễm lao có thể làm tăng sự tiến triển của HIV, là trầm trọng hơn tình trạng suy giảm miễn dịch. Người có HIV nhiễm lao có thể tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, tầm soát và dự phòng bệnh lao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo nhiễm lao phổi mà người có HIV nên chú ý:
- Ho kéo dài: ho là biểu hiện của rất nhiều bệnh đường hô thấp nên thường bị bỏ qua và nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, nếu người có HIV ho liên tục trên 3 tuần mà không rõ nguyên nhân (hoặc điều trị bằng các thuốc chữa các bệnh thông thường không khỏi) hãy cẩn thận vì đó có thể là do lao phổi gây ra.
- Khạc đờm: đờm là chất dịch nhầy tiết ra bởi đường hô hấp và thường được khạc ra mỗi khi ho. Khạc đờm là là dấu hiệu thường gặp thứ hai sau ho gây ra bởi lao phổi. Một số trường hợp, có thể khạc ra đờm có lẫn máu hoặc ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân: lao phổi có thể khiến người nhiễm cảm thấy cơ thể thiếu sức sống, uể oải, ăn không ngon miệng. Lao phổi cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt cân mà không rõ nguyên nhân ở người có HIV.
- Sốt: sốt là biểu hiện cơ thể phản ứng lại các tác nhân thâm nhập vào cơ thể trong đó bao gồm nhiễm lao. Tuy nhiên, người mắc lao phổi có thể không sốt cao, mà chỉ sốt nhẹ, thường là về buổi chiều. Sốt do lao phổi có thể đi kèm ho, khạc đờm, ho ra máu.
- Đổ mồ hôi về đêm: trong lúc ngủ, nếu người có HIV đổ nhiều mồ hôi mà không phải do yếu tố thời tiết, đó có thể là dấu hiệu mắc phải lao phổi.
Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các biểu biểu hiện trên hoặc nghi ngờ mình mắc phải lao phổi, người có HIV nên thông báo ngay cho các bác sĩ, hoặc các nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, hỗ trợ cộng đồng về HIV càng sớm càng tốt. Nếu thật sự mắc lao phổi, người nhiễm HIV vẫn có thể điều trị khỏi bệnh. Điều trị sớm và tuân thủ tốt sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh lao phổi.