Kể từ lần đầu tiên phát hiện được người nhiễm HIV ở Việt Nam, trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhà nước ta luôn coi dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) là một trong những chương trình ưu tiên. DPLTMC bao gồm 3 chiến lược: phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, can thiệp trong khi mang thai, chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con sau sinh ở phụ nữ có HIV.
Người phụ nữ có HIV có thể truyền HIV cho con trong 3 giai đoạn:
- Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ có HIV qua rau thai vào cơ thể thai nhi.
- Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ). Trong khi sinh, HIV cũng có thể từ máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh.
- Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu.
Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nhiễm HIV đóng vai trò quan trọng trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tập trung vào tư vấn về sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình và cung cấp các dịch vụ cho tất cả những phụ nữ đã nhiễm HIV để họ quyết định đời sống sinh sản trong tương lai của họ, bao gồm cả việc khi nào cần tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ thích hợp.
Với phụ nữ có HIV đã mang thai cần có gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm các dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người phụ nữ đó khi mang thai và cho con của họ khi sinh ra; thực hành sản khoa an toàn; tư vấn và hỗ trợ người phụ nữ nhiễm HIV mang thai và các lựa chọn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thích hợp.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc không phát hiện bằng không lây truyền đối với dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo một báo cáo khoa học thì tải lượng HIV của người mẹ vào lúc chuyển dạ dưới 50 bản sao/ml máu thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn là 0,25%. Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con người phụ nữ và phụ nữ mang thai cần phải DPLTMC hiệu quả.
Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con; nên sinh đẻ ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho người mẹ và con.
Can thiệp DPLTMC là biện pháp rất hiệu quả. Nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 45%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể dưới 2%, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Việt Nam đã tích cực triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2010 là 10,8%. Sau 5 năm (2015) tỷ lệ này giảm xuống còn 2,8%, và đến cuối năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Có được những thành quả này là do Việt Nam đã triển khai rất tốt các hoạt động, từ truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt là phụ nữ mang thai và phụ nữ mang thai nhiễm HIV về dự phòng lây truyền HIV nói chung và lây từ mẹ sang con nói riêng, đến việc cải tiến các phương thức xét nghiệm để thuận tiện cho người dân; triển khai theo dõi tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng tải lượng HIV; điều trị ARV cho mẹ và con, v.v.