Trong suốt dịch COVID, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự cống hiến, hy sinh hết mình của những người ở tuyến đầu chống dịch, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, cho đất nước. Đồng cảm và trân quý từng giá trị mà họ đem lại, tại Glink, chúng tôi vô cùng tự hào khi có một bác sĩ của phòng khám đã dấn thân mình xông pha cùng bệnh nhân COVID trên hành trình dự phòng, chăm sóc, điều trị bệnh.
Tinh thần xông pha của chàng bác sĩ 9x
Hiện bác sĩ Nguyễn Thanh Long Sơn đang công tác tại Trạm Y tế phường 6 và Trung tâm y tế quận 11, TP.HCM với nhiều mảng gồm khám, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường,… tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, anh cũng là nhân viên quản lý phòng khám Glink chi nhánh quận 12, TP.HCM. Anh tham gia hỗ trợ thăm khám, tư vấn và chăm sóc khách hàng điều trị, dự phòng HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…
Bác sĩ Sơn chia sẻ: “Công việc ở hai nơi chiếm đa số thời gian của mình trong ngày, từ 7h30 sáng đến 9h tối. Tuy nhiên, khi thành phố bước vào giai đoạn khó khăn do diễn tiến dịch bệnh phức tạp, mình lại rất muốn được đóng góp một phần công sức vào tuyến đầu phòng, chống dịch để hỗ trợ lực lượng y tế tại địa phương, dù biết sẽ có nhiều áp lực và khó khăn vì công việc sẽ cứ cộng thêm, mà thời gian thì vẫn có bấy nhiêu đó. Nhưng Sơn tin, mình có thể làm được”.
Đương đầu thách thức, tôi luyện bản thân
Nói đến công tác phòng, chống dịch COVID ở thành phố, bác sĩ Sơn cho biết, anh phải tham gia và kiêm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ như thực hiện lấy mẫu cộng đồng, truy vết F0; khám, điều trị và cấp cứu F0 tại nhà; tiêm chủng vaccine COVID; tư vấn sức khỏe qua hotline 24/7 cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ và hợp tác cùng các bác sĩ quân y ở trạm y tế lưu động.
Anh bác sĩ 9x nhớ lại: “Có những ngày, Sơn cùng anh chị em đồng nghiệp phải đi lấy mẫu đến 10h đêm và luôn túc trực hỗ trợ cấp cứu F0 tại nhà 24/7. Có những ca trở nặng lúc 2-3h sáng, mọi người phải chạy xuống nhà dân khám, vác theo cả bình oxy đi cấp cứu để níu lấy cơ hội sống cho bệnh nhân. Thời điểm dịch đạt đỉnh vào tháng 7, 8 làm Sơn khá stress vì khối lượng công việc nhiều, áp lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, với việc thành lập thêm trạm y tế lưu động và sự chi viện thêm nhân viên y tế từ các tỉnh khác cho TP.HCM nên khối lượng công việc được giảm đi khá nhiều”.
Tình hình công việc tại Glink của bác sĩ Sơn cũng gặp không ít trở ngại, vì lệnh giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến việc di chuyển, tái khám, lấy thuốc của khách hàng bị hạn chế nhiều. Nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất cho khách hàng, anh cho biết: “Với người điều trị HIV, việc duy trì thuốc đều đặn là vấn đề quan trọng nên các nhân viên phòng khám và Sơn thường chia nhau đi ship thuốc cho các bạn ở khu vực TP.HCM, còn những bạn ở tỉnh khác phải tìm thêm đơn vị vận chuyển miễn là thuốc đến không bị chậm trễ. Trường hợp có khách dương tính với COVID, Sơn cũng tư vấn đầy đủ về cả điều trị HIV lẫn COVID, đồng thời động viên và chia sẻ thêm thông tin để họ yên tâm. May mắn là đa phần các bạn đều có triệu chứng nhẹ nên đều khỏi bệnh một cách an toàn”.
Bên cạnh đó, Glink có nhận được những phần quà hỗ trợ từ dự án của phòng khám nên bác sĩ Sơn cùng các nhân viên cũng tranh thủ thời gian liên hệ và gửi lương thực, thực phẩm cho nhóm khách hàng cần giúp đỡ. Anh bày tỏ bản thân rất biết ơn dự án và Glink, vì nhờ đó mà có thêm động lực để hỗ trợ rất nhiều người đang gặp khó khăn trong đợt dịch kéo dài này.
Xông pha chống dịch là việc làm đầy tự hào
Khi được hỏi đến cảm xúc khi xông pha vào tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Sơn xúc động: “Sơn thấy tự hào rất nhiều vì có thể góp một phần công sức nhỏ của mình để hỗ trợ người dân. Áp lực về khối lượng công việc, những khó khăn trong công tác hỗ trợ điều trị F0 tại nhà như thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế,… càng cho mình thêm nhiều kinh nghiệm và bài học. Có những ca dù đã cố gắng hết sức, tuy nhiên không qua khỏi khiến mình như nghẹn lại đến rơi nước mắt vì chứng kiến nhiều mất mát của các gia đình. Đổi lại, những trường hợp được cấp cứu kịp thời làm mình vừa thấy vui, vừa thấy công việc mình làm thật ý nghĩa biết bao”.
Đối với anh bác sĩ đáng mến này, việc tham gia phòng, chống dịch bệnh tại tuyến đầu của địa phương đã để lại cho anh rất nhiều bài học và kinh nghiệm cho bản thân, từ các vấn đề chuyên môn đến kỹ năng làm việc nhóm, cũng như khả năng chịu được áp lực công việc. Khoảng thời gian này có lẽ là điều vô cùng quý giá và đáng nhớ trong công việc của bất kể một nhân viên y tế nào.
Sẽ thật khó để một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay sách báo nào có thể phản ánh trọn vẹn từng công sức, khoảnh khắc mà lực lượng y tế, nhân viên tình nguyện đã xông pha cùng bệnh nhân COVID. Tuy vậy, bản thân họ cùng xã hội đều có quyền tự hào, ca ngợi những đóng góp mà lực lượng y tế đã và đang hỗ trợ cho toàn dân trên hành trình “đánh bay” vi rút SARS-CoV-2.