Tinh thần xông pha vào tâm dịch của đội ngũ y, bác sĩ khắp cả nước trong mỗi đợt dịch COVID là một điều vô cùng quý giá. Dù họ có ở “chiến trường” hiểm nguy như các bệnh viện dã chiến, hay trong một “căn cứ” hỗ trợ chống dịch như tiếp nhận, tư vấn cho các ca nhiễm, tham gia nghiên cứu vắc-xin, thuốc điều trị,… thì tất cả đều đã rất can đảm vì không ngại gian khó, dám đặt sức khỏe của nhân dân, vận mệnh của đất nước lên trên chính bản thân. Đó là những tấm gương sáng đầy kiêu hãnh, là những đóa hoa rực rỡ bừng lên tràn ngập sự yêu thương của dân tộc Việt Nam.
Tiếp nối chuyên mục “Hoa trong đại dịch” mà Glink đặt để những gương mặt không chỉ đồng hành cùng phòng khám, mà luôn sẵn sàng giúp đỡ cho cộng đồng, nhất là suốt mùa dịch vừa qua, bài viết lần này mới quý độc giả cùng lắng nghe đôi điều tâm sự của Thạc sĩ – Bác sĩ (ThS-BS) Nguyễn Thị Đan Thanh, hiện đang là giảng viên của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).
BS Đan Thanh tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và đã được nhận ở lại trường làm giảng viên, đồng thời học tiếp lên thạc sĩ. Ngoài việc giảng dạy tại trường, chị còn tham gia công tác điều trị, tư vấn dinh dưỡng tại các bệnh viện và phòng khám. Song song đó, chị cũng góp mặt trong rất nhiều các hoạt động truyền thông cho cộng đồng như về dinh dưỡng, vận động, lối sống và cả phòng ngừa, điều trị HIV.
Thích nghi cùng dịch bệnh
Lúc thành phố chưa có “bị cảm” vì COVID thì mỗi ngày trong tuần của BS Đan Thanh sẽ bắt đầu bằng việc đến bệnh viện làm mỗi sáng, rồi chiều ghé trường giảng dạy và tối là sang Glink. Còn cuối tuần, có thể đi công tác tỉnh hoặc tham gia các chương trình truyền thông trực tiếp cho doanh nghiệp, cộng đồng như hội phụ nữ, hội người mù,… Tuy nhiên, mọi thứ dần phải thay đổi khi bị tác động của dịch bệnh, khiến bất kể ai cũng phải thích nghi.
Là một người làm trong ngành y khi chứng kiến đợt dịch khống chế hoàn toàn mọi hoạt động đời sống, BS Đan Thanh chia sẻ: “So với các đồng nghiệp tham gia thường trực tại các bệnh viện dã chiến, hoặc các đơn vị hồi sức cấp cứu thì công việc của Thanh còn rất nhỏ nhoi. Thanh chủ yếu tham gia vào đội hình tiêm chủng tại các địa phương, trực tổng đài tư vấn cho F0 điều trị tại nhà ở quận 10 và nghiên cứu thuốc điều trị COVID là Monulpiravir cùng các chuyên viên.
Bên cạnh đó, Thanh cũng nhận lời mời tại các buổi nói chuyện trực tuyến dành cho cộng đồng, như các doanh nghiệp và các nhóm tổ chức cộng đồng. Mặt khác, Thanh thường xuyên dự các lớp học và tập huấn trực tuyến để cập nhật những phác đồ tư vấn, điều trị COVID. Có thể nói, cuộc sống của Thanh thay đổi một cách tích cực và có nhiều tiến bộ hơn trong thời gian qua”.
Tuy vậy, luôn tồn tại những thách thức cả hữu hình lẫn vô hình khiến chúng ta lo lắng khi mà dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị. “Một trong những điều Thanh suy nghĩ nhiều nhất thời gian qua chính là sức khoẻ của người thân và bạn bè. Việc đi đi về về lúc tham gia các công tác chống dịch, không ích thì nhiều cũng khiến mình khá lo vì cả ba mẹ Thanh đều lớn tuổi. Xa hơn thì Thanh bận tâm đến ý thức của cộng đồng, vì nó vẫn chưa thay đổi nhiều như mình hy vọng nên dù đang ở giai đoạn bình thường mới, mình vẫn không khỏi hồi hộp trước những diễn biến khó lường của đại dịch. Các biến đổi về mặt kinh tế, xã hội cũng là chủ đề mà mình rất quan tâm nữa” – BS Đan Thanh cho biết.

Hình ảnh minh họa
Lan tỏa nhiều điều tích cực là cần thiết
BS Đan Thanh thời gian qua đã tích cực tham gia vào tuyến đầu chống dịch, chị cùng các đồng nghiệp trải qua những ngày tháng khó khăn để đưa TP.HCM sớm trở lại trạng thái bình thường, chợt nghĩ lại chị đầy xúc động: “Thanh thấy mình rất may mắn khi sức khoẻ của mình và cả gia đình vẫn ổn. Mình cho rằng đó là may mắn, chứ không có bí quyết hay điều gì khác biệt, hơn người cả. Âu cũng là do bản thân chúng ta cần suy nghĩ tích cực hơn, có lối sống lành mạnh, luôn tiếp thu và thực hành những điều của Bộ Y tế hướng dẫn như tuân thủ 5K, tiêm vắc-xin sớm nhất có thể, cũng như lựa chọn các kênh tin tức chính thống và không sa đà vào các thông tin gây tiêu cực.
Hãy luôn lan toả những thông điệp tích cực, đầy niềm vui cho gia đình, người thân, bạn bè và mọi người xung quanh. Đó có thể là một phương pháp chữa lành vô cùng hiệu quả trong thời điểm này. Chỉ có sự chung tay mới có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch, dù ở nhà hay ra tuyến đầu, mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần vào cuộc chiến chống lại đại dịch”.
Những người tham gia vào tuyến đầu chống dịch dường như chưa từng nghĩ rằng họ làm và cống hiến hết mình như vậy để nhận lại lời cảm ơn của bất kỳ ai, nhưng với việc mà họ đã và đang làm chắc chắn sẽ khắc sâu vào trong lòng mỗi người về hình ảnh cao quý của những người bình thường làm nên những điều phi thường, không tiếc vất vả, gian khổ để dấn thân chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Do đó, từng người trong cộng đồng “dù lạc quan nhưng không được chủ quan, cố gắng bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình chính là hành động thiết thực và đơn giản nhất mà mỗi chúng ta có thể làm được để tri ân công sức mà lực lượng tuyến đầu chống dịch đã quên mình vì dân suốt chặng đường chống dịch nhé” – BS Đan Thanh nhắn gửi.