COVID liên tục “đe dọa” đời sống của nhân dân lẫn công tác phòng chống dịch của ngành chức năng. Điều này khiến những khách hàng cần làm xét nghiệm HIV, hay đang tham gia dự phòng và điều trị HIV của phòng khám Glink gặp không ít trở ngại trong việc di chuyển thăm khám, giao nhận thuốc, vật phẩm y tế,… Với sứ mệnh của một tổ chức vì cộng đồng, Glink cùng các nhân viên ở mọi chi nhánh luôn tận tâm hỗ trợ cho từng khách hàng của mình xuyên suốt mùa dịch, chỉ mong rằng tất cả mọi người có thể an tâm, tăng cường sức khỏe mà chống dịch.

Luôn thấu hiểu khách hàng giữa mùa dịch

Đại diện cho những nhân viên thường xuyên túc trực tại phòng khám của Glink để hỗ trợ khách hàng, anh Nguyễn Hoàng (24 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Sự lây nhiễm COVID trong cộng đồng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, như các ca làm giữa các nhân viên phải thay đổi liên tục để đảm bảo phòng dịch tốt mà vẫn đạt hiệu quả hoạt động, khiến mình mất một khoảng thời gian để thích nghi dần. Việc tiếp cận khách hàng có nguy cơ nhiễm HIV hay cần điều trị HIV để tư vấn, cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng người cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh căng thẳng làm nhiều người trở nên ngại tiếp xúc hẳn”.

Do làm việc trong tổ chức cộng đồng cùng tiêu chí chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng, nên khi nhận những văn bản, chỉ thị phòng dịch sát sao hơn trên địa bàn trong đợt dịch này đã làm anh Hoàng thấu hiểu rõ hơn những suy nghĩ, tâm trạng mà các khách hàng của mình đang gặp phải. Vì không biết liệu thời gian giãn cách, phòng ngự ở từng khu vực sẽ kéo dài đến bao lâu, liệu họ có đến tái khám đủ, nhận thuốc kịp, xét nghiệm có chính xác hay không, v.v…

Quả thật đúng với những điều anh Hoàng lo lắng, rất nhiều khách hàng mong muốn xét nghiệm trực tiếp nhưng không thể thực hiện được, những khách đang sử dụng PrEP hay đang điều trị HIV (ARV) thì lại không thể đến lấy thuốc để sử dụng vì khi ấy đi lại còn khó khăn, giấy tờ cần thiết chưa đầy đủ (phiếu tiêm chủng, xét nghiệm COVID, giấy đi đường,…). Anh cho biết: “Phần lớn khách hàng nói với Hoàng rằng, cuộc sống lúc dịch cao điểm giống như bị cấm túc, nhiều khó khăn bủa vây, làm họ mệt mỏi và stress. Khoảnh khắc đó, mình thật sự thấy rằng mình cần bên cạnh để động viên, giúp họ vượt qua giai đoạn này, tiếp tục tuân thủ dự phòng, điều trị HIV bằng mọi cách mà mình và phòng khám có thể hỗ trợ trong khả năng cho phép”.

Vì sức khỏe cộng đồng, cùng chống dịch thành công

“Ngụp lặn” trong những tháng ngày đầy “kiêng cữ” về nhiều mặt của cuộc sống do dịch bệnh, hẳn sẽ có vô vàn thách thức mà người trong cuộc phải đối diện. Khi nghĩ đến những thách thức mà bản thân trải qua, anh Hoàng không thể giấu đi cái nhíu mày suy ngẫm: “Mình phải thay đổi hoàn toàn giờ giấc làm việc và lối sống sinh hoạt thường nhật, hầu như là tất cả mọi thứ đều bị thay đổi. Ra đường đi làm lúc nào cũng trong tình trạng sợ sệt, vì không biết mình có đi qua vùng mang nguy cơ lây nhiễm hay không, hoặc chẳng may tiếp xúc với F0 (người dương tính với vi rút SARS-CoV-2) mà họ chưa biết thì cũng mệt. Dẫu vậy, mình phải tự trấn an bản thân, luôn chấp hành đúng mọi khuyến cáo trong phòng, chống dịch để bảo vệ tốt cho bản thân lẫn người xung quanh, đặc biệt là khách hàng của mình. Cứ thế, nỗi lo sợ cũng vơi đi nhiều lắm”.

Về phía khách hàng, anh Hoàng bày tỏ việc tiếp cận với họ tuy còn hạn chế nhưng nhờ những chia sẻ về khó khăn trước đó mà phòng khám đã kịp thời thích ứng, linh hoạt hơn khi triển khai tư vấn, chăm sóc sức khỏe dưới dạng trực tuyến; tổ chức các hoạt động, sự kiện online cho mọi người cùng tham gia; vận động mỗi nhân viên, cũng như thường xuyên tìm kiếm các phương pháp giao hàng khả thi để chuyển phát thuốc, bộ tự xét nghiệm, thiết bị y tế hỗ trợ cho khách hàng cần thiết, giúp họ luôn giữ được sức khỏe ổn định trước khi thành phố “mở cửa” bình thường trở lại.

Từng bước hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, anh Hoàng đã đúc kết cho bản thân một số kinh nghiệm mà chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo: “Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, mình cũng phải luôn suy nghĩ tích cực, giữ gìn, chăm sóc sức khỏe thật tốt. Tinh thần thoải mái, tâm lý bình tĩnh là cái trước nhất, nhờ đó mà mình mới có thêm động lực để san sẻ, quan tâm khách hàng của mình và ứng phó tốt với dịch bệnh nếu có chuyển biến”.

Đối với người làm trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng thì việc đảm bảo khách hàng luôn khỏe mạnh là điều mong muốn hơn cả. Mượn lời anh Hoàng để nhắn gửi đến các độc giả, các khách hàng nói chung của Glink rằng: “Dù cuộc sống có đổi thay, dịch bệnh có tác động ra sao thì bạn hãy luôn lạc quan, tích cực lên vì tương lai vẫn đang mỉm cười phía trước, đón chờ ta trong một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc biết nhường nào. Riêng những khách hàng đang điều trị HIV nên nhớ tuân thủ liệu trình tốt, không chỉ vì bản thân, mà còn có cả gia đình và bạn bè xung quanh luôn yêu thương ta”.

 

Tin liên quan

  • Tình dục an toàn trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số: Thách thức và Cơ hội

    Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cuộc sống của chúng ta ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, từ cách chúng ta giao tiếp, học tập đến cách chúng ta làm việc và duy trì các mối quan hệ cá nhân. Trong bối cảnh đó, tình dục an toàn cũng đang trải qua những…

  • Tại sao giáo dục tình dục toàn diện quan trọng?

    Giáo dục tình dục toàn diện (Comprehensive Sexuality Education – CSE) là một công cụ quan trọng trong việc trang bị cho mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, kiến thức và kỹ năng để đưa ra những quyết định an toàn và đúng đắn liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh…

  • Cập nhật những phương pháp phòng ngừa STIs hiệu quả 2024

    Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu, với hàng triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Mặc dù nhiều bệnh STIs có thể điều trị được, nhưng một số có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu…

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED