Mô hình hợp tác công tư (C2P) giữa các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) và các cơ sở y tế công lập ngày càng hiệu quả, chứng minh được vai trò của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) nói riêng luôn luôn cần có sự chung tay của các tổ chức cộng đồng (CBO) – những đơn vị gần gũi, thân thiết nhất với cộng đồng người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tuy vậy, không phải bất kì ai cũng biết và hiểu rõ công việc của các CBO. Và luôn cần những “cầu nối” họ với những đơn vị, cơ quan khác cùng nhau tìm ra tiếng nói chung, góp phần ngày càng giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo quyết định số 381 này 28/1/2019 của UBND Tp.HCM, HCDC là trung tâm thuộc sở Y tế Tp.HCM sát nhập các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế, trong đó có cả Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (PAC). PAC là đơn vị từng có chức năng quản lý, giám sát và hỗ trợ các hoạt động liên quan tới dự phòng, điều trị HIV, có hàng chục năm kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ và gắn kết với các CBO. Khi về với “lãnh đạo mới”, nhiều thành viên của HCDC vẫn chưa hiểu về CBO.

Đây là khi mô hình hợp tác công tư (C2P) giữa cơ sở y tế công và các CBO được dịp “thể hiện mình”. Cùng với tiếng nói của các cán bộ y tế, sự công nhận của cộng đồng và các đối tác liên quan, CBO đã chính thức có bước khởi đầu thuận lợi làm quen với cơ quan quản lý mới về các công tác dự phòng, chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV là HCDC.

Mô hình C2P đã có những xác nhận rõ ràng bằng văn bản kí kết giữa các CBO và các trung tâm y tế thân thiện tại địa phương của mình, xác định vai trò, sự đóng góp trong sụ hợp tác của mỗi bên để góp phần tìm kiếm các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, từ đó xét nghiệm sàng lọc, cung cấp các dịch vụ dự phòng hoặc điều trị HIV phù hợp với nhu cầu. Sự hợp tác cần thiết để vẽ nên bức tranh chung không còn ca lây nhiễm mới HIV trong cộng đồng, hướng tới thực hiện mục tiêu 95 – 95 – 95 vào năm 2025 của Tp.HCM. (95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV); 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.)

Với sự tin tưởng được xây dựng bằng uy tín trong hoạt động của các CBO, mối quan hệ giữa các CBO và HCDC ngày qua ngày vẫn luôn được cải thiện. Minh chứng tốt nhất là kết quả hoạt động tiếp cận cộng đồng tìm kiếm ca nhiễm HIV mới, cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho ngày càng nhiều người có nhu cầu đều đặn được HCDC công nhận hàng tháng. Qua đó càng củng cố mối quan hệ hợp tác C2P khi cơ sở y tế nhà nước và CBO là hai đối tác vô cùng quan trọng của nhau.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED