Với hành động bộc phát của tài tử Will Smith tại lễ trao giải Oscar 2022 vừa qua, cả người tham dự lẫn khán giả trên toàn cầu đều kinh ngạc, tranh luận và suy ngẫm rất nhiều không chỉ về hành vi bạo lực mà còn có nạn miệt thị ngoại hình. Một thực trạng đáng buồn dường như chưa được xem trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Hài hước” hay  “kém duyên”?

Chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất của Oscar năm nay không phải là dàn khách mời tham gia, nhân vật hay tác phẩm đoạt giải mà chính là cái tát nảy lửa của tài tử Will Smith dành cho người dẫn chương trình Chris Rock. Nguyên nhân là do Chris Rock đem hình ảnh đầu trọc vì hội chứng tóc rụng từng mảng của vợ Will Smith ra đùa cợt để tạo sự hài hước cho buổi lễ.

Thay vì phản ứng cực đoan tại một sự kiện văn hóa lớn, Will Smith có thể bình tĩnh mà dùng cách khác nhằm phản đối việc Chris Rock đem vợ mình ra làm trò đùa. Bởi hành vi bạo lực là điều rất khó chấp nhận và không bao giờ được ủng hộ. Tuy nhiên, cái tát ấy sẽ không tự dưng mà có. Xem xét nguyên nhân thấy, nạn miệt thị ngoại hình (body shaming) chính là nguồn cơn của vấn đề. Một hành động tưởng chừng vui và vô hại, nhưng lại thành vô duyên và ảnh hưởng tiêu cực đến người bị trêu chọc.

Việc tạo tiếng cười bằng cách xoáy vào khiếm khuyết ngoại hình, bệnh tật của người khác là điều vô cùng tàn nhẫn, không thể thông cảm mà cần phải lên án. Đó chính là body shaming, lúc nào cũng gây tổn thương nhiều hơn là chọc cười. Ranh giới giữa “hài hước” và “vô duyên” ở các câu nói đùa rất mong manh, vui thôi đừng vui quá nếu không sẽ làm người khác “cười trên môi nhưng nước mắt chảy trong tim”.

Tìm hiểu về miệt thị ngoại hình – Body shaming

Miệt thị ngoại hình là hành động nói điều gì đó mang tính tiêu cực, chế giễu về cơ thể của một người. Ví dụ như về cân nặng, vóc dáng, tuổi tác, quần áo, tóc, mùi, cách ăn uống hay sự thu hút của họ.

Một số câu nói mang tính miệt thị ngoại hình hẳn nhiều người từng nghe hoặc vô tình trêu đùa mà không nhận ra:

  • Bạn sẽ xinh đẹp nếu như bạn giảm cân;
  • Tôi nghĩ bạn nên mua thêm một vé máy bay để ngồi cho thoải mái;
  • Bạn trông như bạn chưa bao giờ ăn vậy;
  • Cậu ấy giống như bị rối loạn ăn uống nhỉ;
  • Phụ nữ ai lại để lông mọc nhiều thế. Cạo ngay đi;
  • Trông tướng tá như thế thì làm được gì;
  • Nhìn cô ta là thấy không đàng hoàng rồi, sửa hết cả người;
  • Mập như cậu thì không nên ăn miếng bánh này. Nó béo lắm;
  • Bộ đồ này chỉ hợp với người như tôi, không hợp với cậu đâu;
  • Họ già rồi mà còn trang điểm như thế chi vậy;
  • Họ thật dũng cảm khi để mái tóc tự nhiên thế kia;

v.v…

Theo khảo sát của tờ Independent (Anh), gần ½ số người lớn từng bị miệt thị ngoại hình. Trong khi đó tại Mỹ, nạn nhân của miệt thị ngoại hình có 94% thiếu niên nữ và 64% thiếu niên nam.

Ngoài chuyện đánh giá, phán xét, bình phẩm ác ý về vẻ bề ngoài của người khác, body shaming còn là thuật ngữ để chỉ suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tự ti ngoại hình của chính mình. Điều này gia tăng đáng kể ở nhóm người trẻ tuổi thường xuyên dùng các mạng xã hội khi thấy hình của những người có gương mặt, thân hình chuẩn đăng tải.

Do đó, miệt thị ngoại hình (body shaming) còn được coi là một hình thức bắt nạt, vì đưa ra những nhận xét không phù hợp hoặc xúc phạm đến cơ thể của một con người. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của body shaming.

Tác động của miệt thị ngoại hình đến sức khỏe

Trong đời sống xã hội, vấn nạn miệt thị ngoại hình đang đặt gánh nặng lên vai nhiều người, khiến họ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm trí như trầm cảm, lo lắng, tự ti, rối loạn ăn uống, rối loạn hình thể, nghiêm trọng hơn là cảm thấy ghét chính cơ thể của mình, dẫn đến xu hướng ngược đãi bản thân, ảnh hưởng tính mạng.

Thông thường, họ sẽ chọn cách trốn tránh và tự cô lập nếu cảm thấy bị sỉ nhục về cơ thể. Lâu dần khi không tìm được lối nghĩ tích cực và sự giúp đỡ, cảm giác đánh giá thấp mọi thứ từ hình ảnh đến giá trị của bản thân sẽ gia tăng, dễ dẫn đến trầm cảm.

Cùng thuộc phân khúc tuyên truyền nói không với kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhiều vấn nạn của toàn cầu, song khi so với khía cạnh chủng tộc và giới tính, miệt thị ngoại hình lại chưa được quan tâm đúng mức, dù nó rất đa dạng và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Sẽ thật sự cần thiết nếu những lúc như vậy luôn có các dịch vụ về sức khỏe tâm trí đồng hành, nhằm giúp những người đang hứng chịu body shaming vượt qua giai đoạn khó khăn và trân trọng bản thân hơn.

Sức khỏe tâm trí là một trong những dịch vụ chăm sóc khách hàng hàng đầu của Glink.

Ngừng miệt thị ngoại hình người khác

Thừa nhận rằng miệt thị ngoại hình là vấn nạn vẫn đang phổ biến và còn được ngầm chấp nhận trong một bộ phận xã hội, tuy nhiên không có nghĩa là chúng ta có thể tham gia hay dung túng cho body shaming. Thay vào đó, hãy mạnh dạn lên tiếng, thể hiện cảm xúc của bản thân để những người kém duyên đó biết rằng việc body shaming là hành vi đáng lên án trong toàn xã hội. Ngừng ngay việc miệt thị ngoại hình của người khác, bởi không tồn tại bất kỳ quy chuẩn nào về cái đẹp ở một con người và vì không một ai có quyền chê bai vẻ ngoài của ai cả.

Nói đi cũng phải nói lại, nếu không may bị body shaming, thay vì mất thời gian nghĩ ngợi linh tinh, rồi tự ti về ngoại hình thì chúng ta nên tự tìm ra những nét đẹp riêng của bản thân để cảm thấy tự tin hơn. Biến những lời bàn tán thành động lực thúc đẩy mà phấn đấu trên hành trình trưởng thành, hoàn thiện và nâng cấp giá trị cá nhân. Vì đời mình sẽ không có ai sống hộ được, hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

Sau cùng, trước khi buông lời miệt thị ngoại hình của một ai, bạn hãy thử nghĩ, liệu nếu là bạn, bạn sẽ thấy thế nào, bạn có dám chấp nhận và đương đầu? Nên nhớ rằng, khi bạn body shaming người nào đó, là bạn đang tước mất quyền được hạnh phúc của họ.

Hỗ trợ bởi dự án USAID/LIFE – LADDERS

Tin liên quan

  • Tình dục an toàn trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số: Thách thức và Cơ hội

    Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cuộc sống của chúng ta ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, từ cách chúng ta giao tiếp, học tập đến cách chúng ta làm việc và duy trì các mối quan hệ cá nhân. Trong bối cảnh đó, tình dục an toàn cũng đang trải qua những…

  • Tại sao giáo dục tình dục toàn diện quan trọng?

    Giáo dục tình dục toàn diện (Comprehensive Sexuality Education – CSE) là một công cụ quan trọng trong việc trang bị cho mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, kiến thức và kỹ năng để đưa ra những quyết định an toàn và đúng đắn liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh…

  • Cập nhật những phương pháp phòng ngừa STIs hiệu quả 2024

    Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu, với hàng triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Mặc dù nhiều bệnh STIs có thể điều trị được, nhưng một số có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu…

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED