Ngày 15/4, tại TP. Đà Nẵng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội (TCXH) cung cấp giai đoạn 2022-2024.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Công tác phòng/chống HIV/AIDS hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh phí. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức quốc tế đã cắt giảm dần các nguồn tài trợ, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Trong 5 năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV đã có nhiều biến đổi nên rất cần sự vào cuộc của ngành y tế các tỉnh, thành.
Bà Phan Thị Thu Hương cho rằng: “Các tổ chức xã hội có lợi thế trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp, có thể linh hoạt mở ngoài giờ làm việc để những người có nguy cơ cao có thể tiếp cận được. Trước đây, các cơ sở này đa số được các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí. Sắp tới đây, khi các nguồn tài trợ này dần cắt giảm, phải làm sao để từ nguồn ngân sách địa phương.”
Nội dung các gói dịch vụ thí điểm bao gồm các hoạt động cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị methadone; xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP; Sở Y tế/đơn vị đầu mối phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố triển khai Đề án thí điểm căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương phối hợp với các nhà tài trợ/dự án lựa chọn một hoặc nhiều gói dịch vụ để triển khai.