HIV và Covid-19 đều là hai đại dịch nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng con người cũng như hệ thống y tế, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nếu HIV là bệnh mạn tính không điều trị khỏi được do đó người bệnh phải sống chung với HIV suốt đời thì Covid-19 có thể phòng ngừa và điều trị được.
Người nhiễm HIV nên tiêm vắc xin phòng Covid-19. Một thử nghiệm lâm sàng đối với ba loại vắc xin Covid-19 cho thấy người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV có phản ứng tốt, trong khi đó người nhiễm HIV ở giai đoạn nặng thì không đáp ứng tốt. Như vậy, chỉ có người nhiễm HIV không bị suy giảm miễn dịch nặng, đang điều trị thuốc ARV ổn định mới được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Sau khi tiêm mũi ban đầu, người nhiễm HIV cũng nên tiêm thêm các liều vắc xin nhắc lại để tăng phản ứng miễn dịch.
Đồng thời, bệnh nhân nên thực hiện các khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) để phòng ngừa Covid-19 như: giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang, rửa sạch tay và khử khuẩn môi trường sống.
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm ra thuốc ngăn ngừa Covid-19 cho các bệnh nhân nhiễm HIV nặng. Một số thuốc kháng retrovirus (ARV) (lopinavir/ritonavir, boosted darunavir, tenofovir disoproxil fumarate/emtricitabine) được thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, không có thuốc ARV nào được chứng minh là có hiệu quả trong phòng Covid-19. Do đó, người nhiễm HIV không nên chuyển đổi phác đồ điều trị ARV hoặc thêm thuốc ARV vào phác đồ của họ với mục đích phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm SARS-CoV-2.
Những người nhiễm HIV phải được đảm bảo duy trì đủ thuốc ARV và tất cả các loại thuốc dùng đồng thời khác. Nếu bệnh nhân muốn chuyển đổi phác đồ ARV thì phải báo với bác sĩ điều trị để được theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Người bệnh nhiễm HIV là đối tượng dễ nhiễm Covid-19 và có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc phải, do đó, các bác sĩ phải hướng dẫn người bệnh tự cách tự cách ly, tránh phơi nhiễm với Covid-19.