Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo về hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP), từ năm 2017 Việt Nam triển khai thí điểm PrEP tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Với những bài học thành công từ thí điểm và hiệu quả của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV, từ năm 2019 đến nay Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP. Tính đến 30/6/2022, Việt Nam có hơn 52.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP (PrEP uptake). Để mở rộng và tăng số khách hàng nhanh chóng, với sự hỗ trợ của PEPFAR, Quỹ Toàn cầu và các đối tác, các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đã được triển khai đa dạng và thành công tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân như PrEP lưu động, PrEP từ xa – TelePrEP, mô hình cung cấp dịch vụ PrEP toàn diện – OSS, cung cấp PrEP cho học sinh, sinh viên… Hầu hết các mô hình đều đơn giản và khách hàng có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PrEP đơn giản, dễ dàng và thuận lợi.
TelePrEP
Trước hết về khái niệm của PrEP từ xa chúng ta xác định Dịch vụ điều trị PrEP từ xa là dịch vụ y tế được cung cấp bằng cách tương tác qua hệ thống âm thanh và hình ảnh điện tử giữa bác sĩ và khách hàng không ở cùng một địa điểm. Tư vấn khám, điều trị PrEP từ xa là tư vấn khám bệnh khi bác sĩ và khách hàng không có mặt trong cùng phòng và sử dụng công nghệ để nghe và nhìn thấy nhau.
Như vậy, tất cả những ai có nhu cầu dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV những gặp những khó khăn nhất định về mặt khoảng cách địa lý đều có thể sử dụng dịch vụ điều trị PrEP lưu động hay còn gọi là TelePrEP.
Mô hình cung cấp dịch vụ PrEP toàn diện – OSS
One – Stop- Shop (OSS) hay còn gọi là dịch vụ một điểm đến, là nơi đáp ứng đa dạng nhu cầu của cộng đồng. Tại đây, chỉ một lần dừng chân, khách hàng có thể cùng lúc thực hiện nhiều dịch vụ chăm sóc, kiểm tra sức khỏe của bản thân, bao gồm:
- Sàng lọc nguy cơ trực tuyến
- Tư vấn bác sĩ trực tuyến
- Tư vấn trực tiếp
- Xét nghiệm sàng lọc
- Điều trị ART (điều trị HIV bằng thuốc ARV), PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), PEP (điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV)
- Khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục – STIs (không bao gồm HIV)
- Sức khỏe tâm trí
- Và nhiều dịch vụ khác
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định về PrEP nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục đầu tư, thực hiện trong tương lai để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.