Mọi can thiệp trong y khoa đều tiềm ẩn những rủi ro, chỉ là ít hay nhiều, bao gồm cả việc tiêm hoặc uống hormone. Những người chuyển giới mang khao khát có được ngoại hình đúng với giới tính họ mong muốn là trường hợp điển hình cho điều này.

Điều trị hormone là việc bắt buộc trong quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở cả nam và nữ, nhưng hoàn toàn thuộc quyền quyết định của cá nhân sau khi đã được tư vấn tâm lý. Đây là quá trình rất quan trọng để thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể, nhằm giúp người chuyển giới ổn định tốt hơn về mặt tâm lý và tạo thuận lợi hơn khi tiến hành phẫu thuật.

Các rủi ro khi sử dụng hormone chuyển giới

Chắc chắn mọi can thiệp trong y khoa đều tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau. Các rủi ro xuất hiện còn tùy thuộc vào những yếu tố như thành phần thuốc, liều dùng, cách dùng, tuổi tác và bệnh lý kèm theo của bệnh nhân, tiền sử gia đình, v.v… Vì vậy rất khó để dự đoán rằng, với một người cụ thể thì liệu có tác dụng phụ hay không, mà nếu có thì cũng không biết ở mức độ nào.

Những rủi ro y tế liên quan đến việc sử dụng hormone chuyển giới cho cả nam và nữ được phân thành từng mức độ sau (theo Hiệp hội Chuyên khoa Thế giới về Sức khỏe Chuyển giới – WPATH):

  • Các rủi ro xuất hiện thường xuyên
  • Hormone nữ hóa: huyết khối tĩnh mạch; sỏi mật; tăng men gan; tăng cân; triglycerid máu cao; bệnh lý tim mạch*.
  • Hormone nam hóa: bệnh lý đa hồng cầu; tăng cân; mụn; chứng rụng tóc; chứng ngưng thở lúc ngủ.
  • Các rủi ro có thể xuất hiện
  • Hormone nữ hóa: tăng huyết áp; tăng prolactin máu hay khối u tuyến yên prolactinoma; đái tháo đường type II*.
  • Hormone nam hóa: tăng men gan; tăng lipid máu; mất ổn định về một số rối loạn tâm thần có sẵn*; bệnh lý tim mạch*; tăng huyết áp*; đái tháo đường type II*.
  • Không tăng rủi ro hoặc chưa thể xác định
  • Hormone nữ hóa: ung thư vú.
  • Hormone nam hóa: giảm mật độ xương; ung thư vú; ung thư cổ tử cung; ung thư buồng trứng; ung thư tử cung.

*: nếu có yếu tố nguy cơ kèm theo, bao gồm tuổi tác.

Song song rủi ro về mặt y khoa mà các bác sĩ có thể can thiệp, thì còn có những rủi ro mà chính người chuyển giới tự “đâm đầu” vào khi tự ý mua hormone về tiêm hoặc nhờ người khác tiêm hộ. Việc tiêm thuốc không theo đơn, không có bác sĩ theo dõi, không rõ nguồn gốc, không đúng liều lượng, v.v… sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nguy hiểm nhất là tử vong.

Đánh giá rủi ro cho người chuyển giới dùng hormone

  • Người chuyển giới nam sang nữ

Lưu ý chống chỉ định của estrogen (một loại hormone nữ hóa) với người có tiền sử mắc chứng huyết khối tĩnh mạch liên quan đến tăng đông máu tiềm ẩn, tiền sử có khối u bất thường nhạy cảm với estrogen, giai đoạn cuối bệnh gan mạn tính.

Thói quen hút thuốc lá cũng cần lưu ý vì có liên quan đến nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, nguy cơ này có thể trầm trọng hơn nếu sử dụng estrogen. Người có tiền sử bệnh lý tim mạch hay mạch máu não phải có sự đánh giá chuyên khoa của bác sĩ.

  • Người chuyển giới nữ sang nam

Lưu ý chống chỉ định tuyệt đối của liệu pháp testosterone với người đang có thai, bệnh lý mạch vành chưa ổn định, chứng đa hồng cầu chưa được điều trị. Người có tiền sử bệnh lý tim mạch hay mạch máu não phải có sự đánh giá chuyên khoa của bác sĩ.

Testosterone có thể ảnh hưởng lên sự phát triển của phôi thai, nên nữ chuyển giới ngoài kiểm tra khả năng có thai còn phải bổ sung các biện pháp ngừa thai hiệu quả trước và trong quá trình sử dụng hormone.

Nhìn chung, việc đánh giá những rủi ro trong quá trình dùng hormone của người chuyển giới sẽ có cả thăm khám lâm sàng lẫn các xét nghiệm cận lâm sàng. Còn quá trình theo dõi thường bao gồm đánh giá dấu hiệu và triệu chứng, nhất là với các bất thường đặc trưng ở từng nhóm.

Người chuyển giới cần đảm bảo sử dụng hormone liên tục

Đối với người chuyển giới chưa phẫu thuật bộ phận sinh dục, việc ngừng điều trị hormone sẽ làm cơ thể quay trở lại hình thái ban đầu, khiến họ dễ rơi vào trầm cảm, lo lắng cho giới tính của mình. Còn với người chuyển giới đã phẫu thuật hoàn toàn, cơ thể sẽ không tự sản xuất hormone theo như giới tính mới nên bắt buộc phải dùng thuốc để duy trì. Như vậy, dù chuyển giới nam hay nữ thì cũng cần phải dùng hormone liên tục nhằm đảm bảo đúng bản dạng giới theo mong muốn.

Việc sử dụng hormone ở người chuyển giới giống như là đang điều trị một bệnh mạn tính thông thường khi cần phải dùng thuốc suốt đời và có sự theo sát của các bác sĩ chuyên khoa, nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu những rủi ro mà hormone gây ra xuống mức thấp nhất.

Ngoài ra, người chuyển giới nên thực hiện kiểm tra tổng quát thường xuyên. Cụ thể, kiểm tra mỗi 3 tháng 1 lần vào năm đầu tiên, các năm tiếp theo thì duy trì mỗi 6 tháng 1 lần. Kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, tránh dùng các chất kích thích, đồ uống có cồn, v.v…

Chăm sóc sức khỏe người chuyển giới là dịch vụ đang được Glink đẩy mạnh để hỗ trợ cho cộng đồng, giúp họ bảo vệ sức khỏe và tự tin với sự lựa chọn của mình.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED