Theo kết quả giám sát trọng điểm về tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhận thấy có sự tăng nhanh trong những năm vừa qua. Cụ thể, năm 2015 là 5.1%, năm 2017 là 12.2% và đến năm 2020 là 13.3%. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV mới hàng năm trong nhóm MSM tăng gấp 4 lần, từ 0.62% vào năm 2012 tăng lên 2.5% vào năm 2020.

Khi những con số “lên tiếng”

Trong năm 2020, Cần Thơ là khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM cao nhất nước với 22.7%, nối tiếp là Thành phố Hồ Chí Minh và Kiên Giang với 14.7%, An Giang là 13.5%, Khánh Hòa là 12%. Ngoài nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm giang mai trong nhóm MSM cũng có chiều hướng tăng lên từ 2.6% vào năm 2015, lên 9.3% vào năm 2017 và đến năm 2020 là 12.5%. Các số liệu cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM đang tập trung ở khu vực đô thị, tỉnh, thành phố lớn và trỗi lên mạnh hơn tại phía Nam.

Bộ phận Giám sát và Xét nghiệm, thuộc Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (VAAC) ước tính, cả nước hiện có khoảng 300.000 người thuộc nhóm MSM, song con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Vì vậy một khi có nguy cơ cùng dấu hiệu tăng tiến, thì tỷ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV, giang mai, v.v…) sẽ tăng rất nhanh. So với nhiều năm về trước, người nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở nhóm tiêm chích ma túy, thì nay đã có một cú lội ngược dòng trong nhóm MSM, khi vượt hơn cả nhóm tiêm chích lẫn phụ nữ bán dâm.

Dữ liệu khảo sát những người thuộc nhóm MSM của VAAC về các chỉ số hành vi cho thấy, tỷ lệ dùng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất chỉ khoảng 65% tính từ 5 năm qua, còn tỷ lệ quan hệ tình dục tập thể (hành vi tình dục có hơn 2 người tham gia cùng lúc) lại tăng từ 8% (năm 2015) lên 13.5% (năm 2020). Trong khi tỷ lệ từng dùng ma túy là 11.6% và tiêm chích ma túy là 2.9% (năm 2020). Tất cả hành vi này đều có thể dẫn đến thực trạng quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp an toàn. Qua đó mới hiểu được rằng, lý do thường xuyên báo cáo đường lây chính của HIV là vì quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này đang ngày càng tăng đến mức báo động.

Tỷ lệ nhiễm HIV và Giang mai trong nhóm MSM (Nguồn: GSTĐ-VAAC))

Đi tìm nguyên nhân làm tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng nhanh

Với tình hình hiện tại, nhóm MSM được dự báo là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới hàng năm ở thời gian tới. Vì vậy, các nhà chuyên môn nghiên cứu về hành vi của nhóm MSM đã đưa ra một số nguyên nhân cơ bản, từ đó giúp chúng ta có được những phương pháp, bài học kinh nghiệm nhằm giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm:

  • Hành vi tình dục của nhóm MSM rất đa dạng, gồm quan hệ qua đường miệng, đường hậu môn và thủ dâm cho nhau. Trong đó, giao hợp qua hậu môn nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ dễ làm lây nhiễm các bệnh tình dục nhất, ngoài ra còn có cả bệnh lây qua đường máu, bệnh truyền nhiễm, thậm chí là nguy cơ ung thư hậu môn trực tràng. Bởi lẽ, niêm mạc ở trực tràng rất dễ bị tổn thương và dễ bị vi-rút xâm nhập.
  • Số lượng bạn tình của nhóm MSM thường xuyên thay đổi theo mỗi cá nhân và thời gian. Điều ấy còn bao hàm cả xu hướng gia tăng với hình thức quan hệ tập thể, cùng sự bùng nổ về mạng xã hội dành cho cộng đồng này để tìm kiếm bạn tình.
  • Sử dụng chất ngay trước và trong khi quan hệ tình dục để khởi đầu, duy trì, cải thiện chất lượng của quá trình giao hợp. Một số chất thường được dùng như cần sa, popper, viagra, v.v… Điều khiến họ thường dùng chất là để bản thân được thăng hoa với từng cảm nhận khác biệt, bởi tồn tại ở nhóm MSM có khá nhiều rào cản khi quan hệ: tâm lý (giữa quan hệ đồng giới và khác giới), xã hội (sự kỳ thi và phân biệt đối xử), thể chất (giao hợp qua hậu môn thường đau hơn và dương vật phải cương cứng hơn), hay muốn trải nghiệm những hình thức tình dục mới lạ (BDSM, fisting, v.v…).
  • Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Vì các nhà nghiên cứu đã nhận định, ở đâu có tỷ lệ STIs cao thì ở đó sẽ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV, và ngược lại. Điều này nhấn mạnh, cả STIs và HIV đều có chung các yếu tố nguy cơ lây nhiễm là quan hệ tình dục không an toàn và với nhiều người.

Vậy có những can thiệp dự phòng nào để giúp nhóm MSM nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân lẫn người xung quanh mà vẫn đảm bảo được cuộc sống sinh hoạt thường nhật của họ? Nhất là trong thời điểm mọi nơi đang chịu tác động của dịch bệnh COVID.

Phân bố khách hàng sử dụng PrEP theo nhóm đối tượng, tuổi và giới (Nguồn: VAAC)

Nâng cao dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm MSM

Trước nhiều trở ngại do dịch COVID gần 2 năm qua, đa số các hoạt động trực tiếp đều chuyển sang trực tuyến; số thuốc điều trị dự phòng cũng được cấp phát dài hạn hơn; mọi sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm MSM được đẩy mạnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội, giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận; hỗ trợ, tư vấn xét nghiệm HIV tại nhà bằng các sinh phẩm dễ thực hiện; sẵn sàng cung cấp vật phẩm phòng vệ trong quan hệ tình dục như bao cao su, gel bôi trơn; người sử dụng hoặc nghiện ma túy được nhận methadone nhiều ngày để không bị gián đoạn điều trị; v.v… Hầu hết những can thiệp được triển khai cho nhóm MSM cũng chính là dành cho toàn dân, đều nằm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS mà Bộ Y tế chỉ đạo. Và Glink chính là một trong các tổ chức cộng đồng đi đầu để đáp ứng mọi nhu cầu mà nhóm MSM cần nhất.

Từ những chương trình dự phòng cho nhóm MSM, ta thu thập được các chỉ số tiếp cận như sau: tỷ lệ người được xét nghiệm HIV tăng từ 60.1% (năm 2015) lên 77.2% (năm 2020), tỷ lệ người khám STIs trong vòng 3 tháng tăng từ 14% (năm 2015) lên 24.5% (năm 2020), tỷ lệ người có thẻ BHYT tăng từ 67.4% (năm 2017) lên 79.2% (năm 2020), tỷ lệ người nhận được bao cao su và gel bôi trơn miễn phí trong 6 tháng tăng từ 21% (năm 2015) lên 42% (năm 2020).

Tìm thấy được hiệu ứng tích cực trong các hình thức ứng biến mùa dịch và để giảm lây nhiễm HIV ở nhóm MSM, VAAC khuyến khích mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP), triển khai việc cấp thuốc điều trị kháng vi-rút ARV từ 30 ngày lên 60 ngày hoặc 90 ngày để khách hàng tuân thủ liệu trình một cách liên tục. Theo đó, dự phòng với PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng tổng thể dành cho những người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao, bao gồm nhóm MSM.

Theo báo cáo từ VAAC, nhóm khách hàng sử dụng PrEP ngày nay khá đa dạng, nhưng chiếm chủ yếu là nhóm MSM (80%) với tỷ lệ duy trì điều trị cao. Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng, MSM là nhóm chính yếu và đem lại hiệu quả nhất khi sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để phòng tránh lây nhiễm HIV. Đồng thời, MSM cũng là nhóm duy nhất có thể chuyển đổi liệu trình dùng PrEP từ hàng ngày sang PrEP tình huống (với điều kiện được cán bộ, nhân viên y tế hướng dẫn) và ngược lại tùy vào nhu cầu sinh hoạt tình dục.

Đúng vậy, việc sử dụng PrEP theo chỉ dẫn, kết hợp cùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục sẽ giúp nhóm MSM phòng tránh lây nhiễm HIV lên đến hơn 90% và hạn chế khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục xuống mức thấp nhất. Hoặc có qua tiêm chích ma túy thì PrEP cũng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 70%. Hãy tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS để không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, những người xung quanh mà còn giúp đất nước sớm chạm đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED