Tính đến 31/08/2021 đã có 28/63 tỉnh, thành phố với gần 200 cơ sở điều trị PrEP cho gần 32.000 người.

Theo đó, tỷ lệ người đang sử dụng dịch vụ PrEP chủ yếu ở lứa tuổi trẻ, lứa tuổi từ 15-29 chiếm 64%. Kết quả giám sát và các báo cáo không chính thức, số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ PrEP là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đang có xu hướng gia tăng. Đây là nhóm có độ tuổi trẻ, chưa có thu nhập ổn định, sống xa gia đình. Đây cũng là thời điểm nhiều sinh viên bộc lộ xu hướng tính dục và cởi mở hơn trong đời sống tình dục, nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng thực hành tình dục an toàn. Mặt khác, các trường hợp có quan hệ tình dục đồng giới thì tự kỳ thị hoặc bị kỳ thị nên không sẵn sàng chia sẻ và chưa tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp.

Các đặc điểm này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không có các định hướng, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn triển khai PrEP tại thời điểm này tập trung chủ yếu vào quy trình cung cấp dịch vụ, các hoạt động truyền thông tạo cầu nói chung, chưa tập trung cho nhóm sinh viên, học sinh. Tình trạng này dẫn đến các hoạt động triển khai PrEP cho sinh viên trong các trường đại học hiện đang được triển khai tự phát, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm gần đây dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam. Phân tích trong số mới phát hiện nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới nam cho thấy có sự tập trung cao nhóm đối tượng này là công nhân lao động trong các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Vì vậy, tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở học sinh sinh viên của các trường là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam trong những năm tiếp theo, nhằm cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để biết phòng tránh lây nhiễm HIV, đồng thời có những thông tin chính xác về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV nếu không may nhiễm HIV.

PrEP có hiệu quả được chứng minh lâm sàng  trên 90 phần trăm. Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ.

 

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED