Hiện dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát trên cả nước và đã có rất nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết. Từ những tuần đầu tiên của tháng 6, số ca bệnh cần phải điều trị ngoại trú lẫn nhập viện đều gia tăng đáng kể qua từng tuần.
Tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía nam nước ta đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, kể cả số ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ em, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và tính đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, TP.HCM là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước,…
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, TP.HCM đã có 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm ngoái (8959 ca).
Tại phía Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây Hà Nội. Đặc biệt, một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc bệnh.
Các triệu chứng điển hình
Thời kỳ ủ bệnh: 3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày.
Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Người sử dùng PrEP cần chú ý gì?
Thứ nhất, về nguy cơ mắc sốt xuất huyết không có sự khác nhau về nguy cơ mắc bệnh giữa người sử dụng PrEP và không sử dụng. Vì sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt hút máu người mắc bệnh, sau đó lại đốt người khỏe mạnh thì sẽ truyền virus cho người lành qua vết đốt.
Thứ hai, sốt xuất huyết là loại bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị, nên nó là mối nguy hiểm về sức khỏe cho mọi đối tượng.
Thứ ba, PrEP không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống miễn dịch. Hay nói cách khác, sức đề kháng của nhóm sử dụng và không dùng PrEP là tương tự nhau.
Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
- Loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.
- Phát quang cây cối: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.
- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình; người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.