Vào những ngày, tháng cuối năm, bên cạnh các dịp lễ hội, thì hoạt động, phong trào tuyên truyền cho sự kiện, chiến dịch đặc biệt của quốc tế và trong nước cũng rất được chú trọng, điển hình là Tháng Hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS. Đặt trong bối cảnh cả nước còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID, hẳn sẽ có tác động không nhỏ đến công tác thực hiện của Tháng hành động năm nay.

Lồng ghép thông điệp Tháng hành động giữa dịch COVID

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc COVID có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn người không nhiễm HIV. Hơn nữa, các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, tăng huyết áp cũng thường gặp ở người có HIV, nên nếu mắc COVID thì bệnh có dấu hiệu xấu đi là như vậy.

Nhận định này muốn nhấn mạnh rằng, người có hành vi nguy cơ và đang sống chung với HIV cần chú ý hơn đến sức khỏe của bản thân, có thể áp dụng các biện pháp can thiệp được khuyến cáo như: tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, phòng ngừa, điều trị về HIV/AIDS tại cơ sở khám chữa bệnh; tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV; tự giác ngăn ngừa, kiểm soát một số bệnh lý tiềm ẩn; v.v… Ngoài ra, WHO còn đề xuất, người nhiễm HIV nên được ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng COVID càng sớm càng tốt mà không phải phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch.

Đó chính là lý do để Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID” làm chủ đề của Tháng Hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm 2021. Với mong muốn gửi đi thông điệp, dù tình hình dịch COVID còn diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta vẫn cần duy trì các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, đảm bảo cấp phát thuốc, điều trị liên tục cho người nhiễm. Song song đó, áp dụng và thực thi những sáng kiến mới vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc để có thể sống chung với dịch COVID trong tình hình mới.

Những tác động của dịch COVID lên công tác phòng, chống HIV/AIDS

Qua 4 làn sóng dịch COVID ở nước ta, nhiều địa phương đã chịu ảnh hưởng không ít về đầu tư nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo còn phải tập trung cho công tác phòng ngừa COVID trên địa bàn, nên sự quan tâm trong chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS hẳn bị vơi đi đáng kể. Cán bộ và nhân viên y tế quản lý, điều trị bệnh nhân HIV cũng được huy động cho lực lượng tuyến đầu phòng dịch nên nhân lực sẽ thiếu hụt hơn.

Nhằm tuân thủ quy tắc phòng dịch, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần triển khai trong cộng đồng và tiếp xúc trực tiếp đã không thể diễn ra như mọi năm, như: sự kiện tiếp cận cộng đồng, truyền thông nhóm, tổ chức xét nghiệm tại cộng đồng, các hội thảo, hội nghị, tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS, v.v…

Do quy định phong tỏa phòng dịch ở một số địa phương nên nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gặp không ít khó khăn trong quá trình phục vụ khách hàng. Chưa kể, những người sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khi nhiễm COVID hoặc có tiếp xúc gần với người mắc COVID phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt nên việc duy trì dịch vụ sẽ bị gián đoạn. Thêm vào đó, nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người có HIV bị giảm thu nhập, mất việc làm, kẹt lại ở khu vực bị hạn chế di chuyển, v.v… do dịch COVID nên không đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu về dịch vụ HIV.

Từ những khó khăn kể trên, chúng ta càng thấy được ý nghĩa mà chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID” của Tháng hành động năm nay muốn cổ vũ, khích lệ các tổ chức, cơ sở y tế tích cực giữ vững các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng giữa hoàn cảnh dịch bệnh COVID đang tồn tại nhiều diễn biến phức tạp.

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID

Để ứng phó với các tác động tiêu cực của COVID tới hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ cùng Bộ Y tế lẫn các địa phương cho triển khai liên tục một loạt giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID như:

  • Các cấp lãnh đạo cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và kiên định với những mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS đã được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
  • Thúc đẩy hoạt động quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là ở mạng xã hội: Facebook, Zalo, Tik Tok, v.v…
  • Đẩy mạnh triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua hình thức truyền thông, tư vấn online. Cùng với đó là tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tiếp cận cộng đồng từ xa.
  • Tăng cường mô hình tại cộng đồng do cộng đồng triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng: online, từ xa, lưu động, tự xét nghiệm bằng các sinh phẩm được cấp phép lưu hành.
  • Đảm bảo dự trù và cung ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, lẫn vật phẩm can thiệp trong phòng ngừa lây nhiễm HIV để mọi người dân đều có thể duy trì điều trị một cách đầy đủ.
  • Chia sẻ nhiều thông tin tích cực về cộng đồng nhóm đích và người nhiễm HIV để giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Hướng đến sự bình đẳng, thoải mái hơn trong tiếp cận các dịch vụ HIV/AIDS.
  • Thành lập các Đội phản ứng nhanh COVID nhằm kết nối với đại diện mạng lưới người nhiễm HIV để chuyển tải kịp thời, đầy đủ những thông tin liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.
  • Ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID cho các nhân viên hỗ trợ, tiếp cận viên trong cơ sở y tế, tổ chức cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS và người đang sống chung với HIV.
  • Sắp xếp lại quy trình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, tổ chức, phòng khám như đặt lịch, test COVID, tuân thủ dự phòng theo quy định để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.
  • Phát huy việc vận dụng nguồn lực cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bởi sự tham gia của các tổ chức cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Với những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS giữa đại dịch COVID nêu trên, thời gian qua, Glink Việt Nam đã luôn cố gắng để triển khai thật tốt ở mọi phương diện, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ một cách toàn diện cho khách hàng, từ tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, phòng ngừa đến điều trị để giúp mọi người sống khỏe mạnh nhất có thể. Đó cũng là sứ mệnh mà Glink mong muốn góp một chút thành quả cho Tháng Hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS.

Tháng Hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS rồi sẽ “ngủ đông” để chờ đón năm mới, nhưng tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân thì không bao giờ được “ngủ quên” trên hành trình phòng, chống HIV/AIDS để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sớm chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ phòng, chống dịch COVID, tất cả chúng ta đừng quên tăng cường thêm những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID ở hiện tại và tương lai.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED