Người đang điều trị PrEP hoặc người đang điều trị HIV có nên tiêm vaccine COVID hay không? Nếu có, cần lưu ý những gì? Bài viết sau đây, sẽ cung cấp thông tin để giải đáp các thắc mắc này.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Hà Hữu Phước, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đồng Nai, cũng là người đang công tác tại hai trong số các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID tại tỉnh Đồng Nai đã có những chia sẻ thông tin, kiến thức về việc sử dụng vaccine COVID ở người đang sử dụng PrEP và người đang điều trị HIV. Bài viết dưới đây được tổng hợp nội dung từ chương trình “Diễn đàn Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng” (Community Care Forum) số thứ nhất và một số tài liệu liên quan.
“Diễn đàn Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng” (Community Care Forum) số thứ nhất
Ai là người được tiêm vaccine COVID?
- Người được tiêm chủng là những người trong độ tuổi tiêm chủng (tùy theo khuyến cáo của từng nhà sản xuất vaccine cụ thể, đồng thời dựa trên cơ sở xác định độ tuổi được tiêm chủng từ Bộ Y tế Việt Nam).
- Người được tiêm chủng không quá mẫn với hoạt chất của vaccine hoặc các thành phần tá dược khác.
Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine COVID?
Khi được thông báo tiêm vaccine, mỗi người cần tự chuẩn bị:
- Thoải mái về mặt tinh thần
- Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết: phiếu thông báo tiêm chủng, CCCD/CMND, Thẻ BHYT
- Hồ sơ sức khỏe (nếu có) của các bệnh mãn tính, thai kỳ,…
- Tránh dùng steriod trước khi tiêm (hỏi ý kiến bác sĩ về việc ngưng thuốc trước ít nhất 1 tuần trước khi tiêm)
- Đi tiêm đúng ngày, đúng giờ hẹn và đảm bảo tuân thủ khai báo y tế và thực hiện 5K tại điểm tiêm
- Không tự ý dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm
- Uống đủ nước
- Không sử rượu, bia, chất kích thích trước khi tiêm
- Mặc quần áo thích hợp, để dễ dàng tiêm
- Nên tiêm vào tay không thuận
- Chủ động tìm hiểu về các phản ứng, tác dụng phụ của vaccine trước khi tiêm
Làm gì tại điểm tiêm và theo dõi sau tiêm?
- Khai báo y tế và thực hiện các biện pháp 5K phòng dịch
- Ở lại điểm tiêm chủng theo hướng dẫn để theo dõi các phản ứng phụ sau tiêm. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi các phản ứng phụ trong vòng 3 tuần sau khi tiêm.
- Liên hệ với các nhân viên y tế nếu có các dấu hiệu:
- Ngứa vùng miệng
- Phát ban
- Tiêu chảy, đau quặn bụng
- Khó thở
- Khò khè
- Choáng váng, xây xẩm
- Sốt li bì, sốt cao (kể cả khi đã dùng thuốc hạ sốt)
Người đang sử dụng PrEP hoặc đang điều trị HIV (ARV) có nên tiêm vaccine COVID?
Câu trả lời có. Đối với người đang sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) hoặc người có HIV nhưng đang điều trị ARV ổn định đều nên tiêm vaccine COVID. Và có thể không cần khai báo tình trạng điều trị HIV khi đang điều trị ổn định, căn cứ theo Quyết định số 3802/QĐ-BYT ban hành ngày 10/08/2021 của Bộ Y tế.
Trường hợp người nhiễm HIV chưa ổn định, hoặc đang ở giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng (AIDS) cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị HIV của mình để được hướng dẫn chính xác hơn.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, kể cả khi được tiêm vaccine, không có nghĩa là bạn sẽ không có nguy cơ mắc COVID. Do đó, hãy tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch để ngăn chặn hiệu quả COVID, đồng thời giúp việc điều trị PrEP, điều trị HIV hiệu quả hơn.