PrEP được viết tắt của cụm từ tiếng Anh – Pre-Exposure Prophylaxis – có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV – Sử dụng thuốc kháng vi-rút (ARV) cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi-rút HIV dùng để tạo ra các bản sao vi-rút mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng vi rút là TENOFOVIR DISOPROXIL FUMARATE (TDF) 300mg và EMTRICITABINE (FTC) 200mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên.

Cơ chế bảo vệ của thuốc PrEP

Cơ thể chúng ta bình thường khi bị vi khuẩn, vi rút xâm nhập sẽ được bảo vệ bởi các tế bào đặc biệt trong hệ miễn dịch là tế bào T-CD4. Nhưng khi vi rút HIV vào trong cơ thể, chúng sẽ tấn công các tế bào T-CD4, làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ và sử dụng chính những tế bào này để nhân lên, giải phóng tạo ra hàng tỷ bản sao mỗi ngày. Dần dần khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch suy yếu, khi đó các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ tấn công và những người nhiễm HIV sẽ chết bởi những bệnh cơ hội đó (giai đoạn AIDS).

Tuy nhiên, nếu chúng ta đã sử dụng thuốc PrEP trước đó đều đặn 1 viên/ngày, thuốc PrEP sẽ có tác dụng bảo vệ tế bào T-CD4 bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới, không cho virus HIV tấn công khiến chúng không thể nhân lên và bảo vệ bạn trước nguy cơ lây nhiễm HIV.

Mức độ hiệu quả của PrEP như thế nào?

Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ.

Nếu dùng đúng, đều và đủ, PrEP có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Tiếp nhận máu từ người sử dụng PrEP có nguy cơ nhiễm HIV không?

Vì PrEP không phải là thuốc điều trị HIV; và người dùng PrEP đúng theo chi dẫn của bác sĩ, thực hiện tái khá và xét nghiệm đầy đủ thì không có nguy cơ nhiễm HIV. Do đó, máu của người sử dụng PrEP đúng cách không ẩn chứa vi-rut HIV.

Tin liên quan

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED