Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi-rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID vẫn đang là mối đe dọa nguy hiểm cho những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nhiều quốc gia trên thế giới, khi liên tục đột biến tạo ra nhiều biến chủng mới, cùng tốc độ lây lan nhanh chóng. Cho nên chúng ta luôn phải duy trì tinh thần đề phòng để tăng hiệu quả ứng phó với COVID bất kể lúc nào, dù hiện tại, tình hình dịch bệnh cơ bản đang dần được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Biến chủng vi rút SARS-CoV-2 là thuật ngữ dùng để nói đến những biến thể của vi rút SARS-CoV-2 khác với các vi rút đồng loại của nó một cách đáng kể, cụ thể là nằm ở các đặc tính: khả năng truyền bệnh (sự dễ lây), khả năng gây bệnh (độc lực), khả năng chịu đựng (sự nhạy cảm với vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị).
Trong đại dịch COVID, chúng ta đã chứng kiến nhiều biến thể vi rút SARS-CoV-2 hoành hành, gần nhất và gây hậu quả nặng nề nhất chính là biến thể Delta, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, rồi lây ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Theo các nhà khoa học và nghiên cứu trên thế giới, việc vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến thể để cho ra các biến chủng mới là điều hoàn toàn bình thường và đã được dự đoán.
Viện Pasteur TP.HCM thông tin, theo sự phân loại của WHO thì các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 hiện được chia làm 2 nhóm là biến thể đáng quan tâm (VOIs) và biến thể đáng quan ngại (VOCs). Trong đó:
- Biến thể đáng quan tâm là những biến thể có thay đổi về kiểu hình hoặc có một gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình. Những biến chủng này thường được phát hiện ở nhiều quốc gia, gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc làm xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh cùng lúc. Có 5 biến thể đáng quan tâm hiện nay là Mu (xuất hiện lần đầu ở Colombia), Lambda (xuất hiện lần đầu ở Peru), Eta (xuất hiện lần đầu ở Anh), Kappa (xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ), Iota (xuất hiện lần đầu ở Mỹ).
- Biến thể đáng quan ngại là những biến thể được khẳng định có khả năng lây lan nhanh chóng, làm tình hình dịch tễ COVID chuyển biến tiêu cực, triệu chứng nhiễm bệnh trở nặng, làm giảm đi hiệu quả dự phòng của các biện pháp y tế công cộng phòng ngừa, kể cả tác dụng của vắc xin, lẫn xét nghiệm trong chẩn đoán hay phác đồ điều trị hiện hành. Có 4 biến thể đáng quan ngại hiện nay là Alpha (xuất hiện lần đầu ở Anh), Beta (xuất hiện lần đầu ở Nam Phi), Gamma (xuất hiện lần đầu ở Brazil), Delta (xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ).
Nhiều chuyên gia y tế nhận định rằng, vi rút SARS-CoV-2 không biến mất mà sẽ biến đổi theo thời gian nên mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi địa phương phải luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch, đồng thời kết hợp hài hòa giữa theo dõi, giãn cách và tăng cường tiêm chủng để sớm xây dựng miễn dịch cộng đồng, ổn định cuộc sống, tập quen dần sống chung với COVID trước khi có thuốc đặc trị.
Với những loại vắc xin phòng ngừa COVID đang được cấp phép lưu hành hiện nay, các dữ liệu nghiên cứu đều cho thấy chúng có hiệu quả trong việc chống lại hầu hết các biến thể mới. Khi các dấu hiệu của nguy cơ triệu chứng nặng, tỷ lệ nhập viện, hay tỷ lệ xảy ra biến chứng nặng và tử vong đều giảm rõ rệt. Lưu ý là, cần tiêm đủ 2 liều để đạt “hàng rào” bảo vệ tối ưu nhất, bởi nếu đủ liều sẽ giảm khả năng phải nhập viện đến khoảng 96%, nguy cơ nhiễm bệnh cũng giảm xuống khoảng 79%, còn nếu tiêm chưa đủ liều thì khả năng bảo vệ chỉ đạt mức khoảng 35% (theo số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh).
Bên cạnh việc tiến hành tiêm chủng vắc xin COVID sao cho đủ liều càng sớm càng tốt, thì mỗi người dân vẫn nên tiếp tục duy trì mọi biện pháp đề phòng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh bằng cách thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, cùng các chính sách, chủ trương của chính quyền địa phương nơi mình sinh sống, làm việc nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng xuống mức thấp nhất.
Nhìn vào công tác chống dịch của cả nước cùng các bộ, ban, ngành chức năng khắp mọi miền Tổ quốc, ta thấy được rằng, để sớm đẩy lùi vi rút SARS-CoV-2, đẩy lùi dịch bệnh COVID, không chỉ cần những cống hiến, ý chí quyết tâm của lực lượng chức năng trong quá trình đảm bảo sức khỏe, tính mạng của toàn dân mà ý thức của từng người dân cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi mà tất cả cùng đoàn kết, cùng thấu hiểu, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung thì bất kể biến chủng nào của vi rút cũng rất khó để gây xáo trộn đến các công đoạn phòng dịch của chúng ta phải không?