Sau 31 năm kể từ ngày ca nhiễm HIV đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, nước ta vẫn đang trên hành trình đi đến mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền dịch những năm gần đây đã có sự thay đổi trong các hành vi nguy cơ.
Những ai có nguy cơ lây nhiễm HIV?
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ngày càng gia tăng, chủ yếu ở người trẻ tuổi, còn nhóm nghiện chích ma túy đang giảm dần. Nguyên nhân chủ yếu là vì quan hệ tình dục không an toàn, như ít hoặc không dùng bao cao su, sử dụng các chất kích thích trước và trong khi quan hệ, quan hệ với nhiều bạn tình. MSM là nhóm đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ cao của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh nhóm người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ/chồng/bạn tình của người mang HIV vẫn tồn đọng nhiều nguy cơ lây nhiễm do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Các đường lây truyền HIV
- Qua đường máu
Virus HIV có nhiều trong máu toàn phần, cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV, nguy cơ xuất hiện trong những hành vi như:
- Tiêm chích ma túy và dùng chung dụng cụ tiêm chích.
- Truyền máu hoặc các chế phẩm của máu mà không được sàng lọc.
- Dùng chung vật dụng sắc nhọn (dụng cụ xăm mình).
- Qua quan hệ tình dục không an toàn
Tất cả các hình thức quan hệ tình dục không an toàn với một người có HIV đều mang nguy cơ lây nhiễm:
- Tình dục đường âm đạo.
- Tình dục đường hậu môn.
- Tình dục qua đường miệng.
Theo đó, người nhận có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau với cao nhất là qua đường hậu môn, tiếp theo là qua đường âm đạo, cuối cùng là qua đường miệng.
- Từ mẹ truyền sang con
- Trong thời kỳ mang thai (HIV từ máu qua rau thai vào cơ thể thai nhi), chuyển dạ hoặc khi sinh (HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát trong quá trình sinh).
- Qua sữa hoặc các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.
Lưu ý: HIV không lây truyền khi:
- Bắt tay, ôm, hôn nhẹ và ăn chung với người khác.
- Dùng chung bồn cầu hay cùng nhau bơi lội.
- Ho, hắt hơi.
- Muỗi đốt hoặc côn trùng cắn.
Nguyên tắc lây truyền của virus HIV
Virus HIV truyền nhiễm được từ người mang bệnh sang người khác khi đáp ứng đủ 4 nguyên tắc: E-S-S-E (Exit – Survive – Sufficient – Enter).
EXIT (ngõ ra)– Vi-rút trước tiên phải thoát ra khỏi cơ thể của người nhiễm HIV. Do HIV chỉ lây truyền giữa người với người, nó không thể truyền bệnh cho muỗi hay các động vật khác.
SURVIVE (còn sống)– Vi-rút HIV dễ chết khi ở bên ngoài cơ thể, nên để tồn tại nó phải ở trong môi trường thích hợp với các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, không khí, nồng độ acid. Đó là lí do mà HIV không thể sinh sống trong bể bơi hoặc bồn cầu, cũng như trong thực phẩm hay dụng cụ ăn uống.
SUFFICIENT (đủ lượng)– Số lượng vi-rút HIV phải đạt đủ đến mức lây nhiễm cho người khác. Hiện, máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ là 4 chất dịch cơ thể có chứa nồng độ virus cao để lây truyền HIV.
ENTER (ngõ vào)– Vi-rút HIV phải xâm nhập vào máu của người khác để lây nhiễm cho họ.
Lưu ý: Các dịch cơ thể khác như nước bọt, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi, dịch đờm, dịch tiết mũi, phân, chất nôn, mụn nước trên da không có đủ lượng vi-rút, đồng thời HIV cũng không dễ tồn tại trong môi trường ngoài cơ thể nên khi tiếp xúc, HIV sẽ không có cơ hội xâm nhập.
Nếu virus HIV xâm nhập vào trong cơ thể
HIV là một loại vi-rút có khả năng tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nó tấn công và xâm chiếm tế bào bạch cầu có tên CD4, rồi sản sinh ra hàng trăm nghìn bản sao và phá hủy tế bào. Những bản sao vi-rút HIV này sau đó đi vào hệ tuần hoàn, gắn vào các tế bào CD4 khác và tiếp tục nhân lên. Cứ thế, số lượng vi-rút trong cơ thể tăng rất nhanh trong khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống. Khi đó, sức đề kháng sẽ bị thiếu hụt khiến ta dễ mắc bệnh và sức khỏe ngày càng suy yếu. Đồng thời, nguy cơ lây truyền vi-rút sang cho người khác cũng tăng theo do tải lượng vi-rút HIV trong máu cao, đặc biệt ở thời kỳ “cửa sổ”.
Vậy thời kỳ “cửa sổ” được hiểu như thế nào?
Một người nhiễm HIV thường sẽ mất từ 3 đến 6 tháng để cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại vi-rút. Nếu làm xét nghiệm trong khoảng thời gian từ lúc vi-rút có khả năng xâm nhập cho đến trước khi cơ thể sản sinh đủ lượng kháng thể (tức là chưa đủ 3 tháng tính từ lúc có nguy cơ) thì kết quả có thể là âm tính, trong khi người đó đã bị nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, người nhiễm rất dễ lây truyền HIV cho người khác dù kết quả xét nghiệm kháng thể là âm tính. Đây được gọi là thời kỳ “cửa sổ”.
Trong trường hợp, nếu bạn thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và cho rằng bản thân đang trong thời kỳ “cửa sổ”, bạn nên làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình.
Nếu kết quả của bạn là dương tính
Bạn nên đến ngay các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện để được tư vấn và điều trị. Việc điều trị HIV sớm sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và sống có ích cho gia đình, cộng đồng hơn. Ngoài ra, còn giúp bạn giảm chi phí thuốc men, khám chữa bệnh và nằm viện khi khả năng cao sẽ không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đồng thời, điều trị sớm giúp giảm nguy cơ lây lan virus sang cho người khác, trong đó có vợ/chồng lẫn con cái của bạn.
Ngay cả khi bạn đang sử dụng ma túy thì vẫn nên tích cực điều trị HIV bằng thuốc kháng vi-rút, vì các nghiên cứu đã chứng mình được tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc việc điều trị Methadone (thuốc dùng trong cai nghiện) và ngưng sử dụng ma túy nếu có thể.
Bên cạnh việc tuân thủ điều trị bằng cách uống thuốc đúng giờ, đúng liều; tái khám, làm xét nghiệm đúng lịch, đúng tháng; bạn phải luôn thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho sức khỏe tình dục của mình. Vì trên thực tế, có nhiều chủng vi-rútHIV khác nhau nên bạn vẫn có thể nhiễm thêm các chủng khác, dẫn đến tình trạng bội nhiễm và gây nên kháng thuốc. Nếu bị nhiễm các chủng HIV kháng thuốc, việc điều trị của bạn sẽ khó khăn và kém hiệu quả hơn.
Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì cần trao đổi với bác sĩ, nhân viên y tế để được điều trị dự phòng và bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ nhiễm bệnh. Về cơ bản, khi dự phòng bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) trong quá trình mang thai thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất thấp hoặc gần như không có.
Sau cùng, nếu bạn là người sống độc thân hay có gia đình thì việc điều trị vẫn được đảm bảo và hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như các nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng viên, các câu lạc bộ, các trường hợp cùng điều trị và cán bộ y tế sẽ sẵn sàng giúp đỡ, đồng hành cùng bạn trên hành trình “bình tĩnh sống” này.
Nếu kết quả của bạn là âm tính
Khi bạn chưa nhiễm HIV nhưng nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm (MSM, chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, bán dâm) hoặc là vợ/chồng của người nhiễm chưa được điều trị bằng ARV hay có điều trị mà chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện, bạn cần phải tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng việc dùng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV.
Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm HIV âm tính từ lần cuối cùng được thực hiện hơn một năm trước và bạn vẫn có những hành vi nguy cơ, thì bạn nên đi xét nghiệm lại HIV càng sớm càng tốt. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), mỗi người nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời, và nếu thường xuyên có hành vi nguy cơ thì việc xét nghiệm nên tiến hành định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần.
Tóm lại, dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo được tính bền vững, đâu đó còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu nền y tế không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.