Chương trình tiếp cận cộng đồng thực hiện các hoạt động về tiếp cận nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV (ma túy, mại dâm, đồng giới nam, chuyển giới nữ, bạn tình người nguy cơ cao, bạn tình người nhiễm HIV), cung cấp các vật dụng giảm tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm; chuyển gửi khách hàng đến sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS, uống Methadone; lập bản đồ địa dư và quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn thực hiện.
Mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng hiện nay đang thực hiện công việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp các vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao. Tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối vào chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó họ cũng giới thiệu, chuyển gửi khách hàng chưa nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động trên vẫn chưa tập trung vào nhóm đích đặc biệt là nhóm bạn tình người nhiễm HIV và việc phối kết hợp giữa cơ sở y tế với nhân viên hỗ trợ cộng đồng trong hoạt động truy vết bạn tình/bạn chích vẫn còn một khoảng trống cần phải tiếp tục xây dựng và tăng cường việc phối hơp giữa hai bên.
Vai trò rất quan trọng của nhân viên hỗ trợ cộng đồng trong việc hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ chính là cầu nối giữa người nhiễm và các dịch vụ dành cho cho người nhiễm. Thực hiện hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố đóng vai trò chỉ đạo, điều phối, hỗ trợ cho các nhân viên tiếp cận cộng đồng – các tổ chức dựa vào cộng đồng. Xây dựng, liên kết giữa các tổ chức dựa vào cộng đồng với các cơ sở y tế và giữa các tổ chức dựa vào cộng đồng với nhau để giảm đi sự rời rạc để hướng đến hiệu quả các hoạt động.